Những DN không hoàn thổ trồng lại rừng sau khi khai thác titan:
Sẽ bị xử lý nghiêm
19:42', 4/5/ 2012 (GMT+7)

Báo Bình Định số 4637,  thứ Năm, ra ngày 26.4.2012, đưa tin phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp (DN) sau khi khai thác titan đã không thực hiện việc hoàn thổ, trồng lại rừng, gây ảnh hưởng đến môi trường. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đặng Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), quanh vấn đề này.

* Xin ông cho biết quy định về việc hoàn thổ, trồng lại rừng của các DN sau khi đã khai thác titan? 

- Nhằm quản lý, đưa hoạt động khai thác sa khoáng titan vào quy củ, sau khi Luật Khoáng sản ban hành, Chính phủ, Bộ TN-MT và UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Riêng tại tỉnh ta, cuối tháng 1.2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại điều 5 quy định rất rõ về việc hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường sau khai thác. Theo đó, sau khi khai thác titan xong, các DN phải nhanh chóng san ủi đống cát thải để hoàn thổ trả lại mặt bằng và trồng rừng…; phải có kế hoạch trồng rừng phục hồi môi trường hàng năm. Việc trồng lại và chăm sóc rừng phải thực hiện theo đúng thiết kế, kỹ thuật, quy chuẩn theo quy định của ngành NN-PTNT…

 

Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định đang san ủi, hoàn thổ, trồng lại rừng sau khai thác titan.

* Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, ngoài Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định, nhiều DN không thực hiện nghiêm túc quy định trên của UBND tỉnh? 

- Những thông tin, số liệu về việc hoàn thổ sau khi khai thác titan mà báo đưa tin là tổng hợp từ báo cáo của Đoàn kiểm tra Sở NN-PTNT thực hiện từ tháng 8.2011 tại địa bàn hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Theo đó, qua kiểm tra 11 DN (với tổng diện tích 979,458 ha), kết quả đến thời điểm đó, tổng diện tích các DN đã khai thác xong là 236,39 ha, trong đó 121,59 ha đã khai thác nhưng chưa hoàn thổ, trồng lại rừng; 114,8 ha đã khai thác và hoàn thổ, trồng lại rừng nhưng 8 ha rừng sau khi trồng đã bị cát vùi lấp. Diện tích rừng được trồng lại là 106,8 ha.

Điều đáng nói, theo Đoàn kiểm tra, ngoài Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định thực hiện tốt việc hoàn thổ, trồng lại rừng thì có 7/11 DN đã triển khai hoàn thổ và trồng được 74,7 ha rừng nhưng việc san ủi trả lại mặt bằng chưa đúng quy định, diện tích rừng trồng chưa có hồ sơ thiết kế, dự toán được thẩm định và phê duyệt, cây con không rõ nguồn gốc, tỉ lệ cây sống thấp và cây trồng sinh trưởng, phát triển kém…

* Nhưng đến nay, một số DN vẫn bị cho là chưa thực hiện công tác hoàn thổ, trồng lại rừng. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

- Thời gian qua, với chức năng quản lý nhà nước, Sở TN-MT đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các DN phải tổ chức khai thác titan đúng với quy trình. Tuy nhiên, do việc cấp phép khai thác cho DN với thời gian ngắn, diện tích mỏ có quy mô nhỏ, các DN cần có mặt bằng làm bãi thải và nhất là cần phải có thời gian nên chưa thể san gạt, hoàn thổ liền sau khai thác.

Điều đáng nói là từ khoảng cuối năm 2011 đến nay, một số DN đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian khai thác titan nên họ càng không thể thực hiện việc hoàn thổ, trồng lại rừng. Đơn cử trong số này là các DN: Công ty TNHH Mỹ Tài, Công ty cổ phần Kim Triều, Công ty TNHH Khoáng sản Thành An, Công ty TNHH Tấn Phát, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Khoáng sản Ban Mai, Công ty cổ phần Khoáng sản Biotan… Nghĩa là, hiện các DN nói trên đang tiếp tục khai thác titan trên diện tích được cấp phép nên chưa thể thực hiện việc hoàn thổ, trồng rừng. Việc trồng rừng chỉ được thực hiện khi đã kết thúc khai thác và được hoàn thổ, san gạt.

Nhân đây, cũng xin được nói rõ, ngoài những văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, UBND tỉnh và các bộ, ngành, các DN khai thác titan đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường và đều phải nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường.

* Vậy thời gian tới, công tác kiểm tra, kiểm soát việc hoàn thổ, trồng lại rừng sau khi khai thác titan trên địa bàn tỉnh sẽ như thế nào, thưa ông?

- Để đảm bảo việc khai thác, hoàn thổ và trồng lại rừng đúng theo quy định, ngày 19.12.2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 632/QĐ-UBND về việc ban hành “Quy chế phối hợp hậu kiểm đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh”. Điều 5, chương II của Quy chế này quy định rõ: Hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác; hậu kiểm cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường, phục hồi môi trường…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng (trong đó có Sở NN-PTNT) sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác titan của các DN trên địa bàn, nhất là việc hoàn thổ, trồng lại rừng sau khi đã kết thúc việc khai thác. Chúng tôi sẽ xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với những DN chây ì, không chấp hành việc hoàn thổ, trồng lại rừng sau khi khai thác titan xong.

* Xin cảm ơn ông!

  • VIẾT HIỀN (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giá khởi điểm từ 4 đến 15,6 triệu đồng/m2  (04/05/2012)
7 tỉ đồng xây dựng Trung tâm Dịch vụ nông - lâm nghiệp  (04/05/2012)
Chủ động triển khai phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn   (04/05/2012)
Đầu tư trên 4,2 tỉ đồng đúc bê tông kênh thủy lợi  (04/05/2012)
Cảnh giác với phân bón giả từ Trung Quốc  (04/05/2012)
Khó khăn về vốn và trình độ nguồn nhân lực  (03/05/2012)
Cầm cự để tồn tại  (03/05/2012)
Cục Thuế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp  (03/05/2012)
Trên 800 ha xoài được đầu tư thâm canh, cho năng suất cao  (02/05/2012)
Tôn vinh sản phẩm công nghiệp địa phương  (02/05/2012)
Bình Định đã cố gắng phát huy nguồn lực tại chỗ, vượt qua khó khăn  (02/05/2012)
Thời của siêu thị  (02/05/2012)
Giúp ngành Du lịch ứng phó với biến đổi khí hậu  (01/05/2012)
Tăng cường quản lý dịch bệnh tại các trang trại nuôi heo  (01/05/2012)
Hỗ trợ phát triển 5 sản phẩm đặc trưng  (01/05/2012)