Cùng với việc chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn II theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Vĩnh Thạnh luôn quan tâm chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư (KNKN), hướng dẫn nông dân sản xuất có hiệu quả.
Năm 2011, UBND huyện giao kế hoạch kinh phí gần 400 triệu đồng cho Trạm Khuyến nông (KN) huyện thực hiện công tác KNKN, hướng dẫn các hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi. Trạm KN huyện đã rà soát yêu cầu của từng địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ cho đồng bào nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn thông qua việc chuyển giao các loại cây, con giống mới, phân bón... Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để người nghèo chủ động thực hiện các mô hình KNKN nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Đến nay, Trạm đã triển khai thực hiện hơn 13 mô hình KNKN các loại để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất thâm canh các giống cây trồng, vật nuôi mới, nuôi trồng thủy sản… cho nông dân trên địa bàn.
|
Mô hình vỗ béo bò ở Vĩnh Thạnh. Ảnh: X. DŨNG |
Ông Lê Kim Quốc, Trưởng Trạm KN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 30a, Trạm đã xây dựng các mô hình, tập trung vào việc hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất, thâm canh lúa lai, bắp lai, đậu phụng, mì, mía giống mới có năng suất cao. Mô hình lúa lai PAC 807, BiO 404, Nhị ưu 838 ở xã Vĩnh Thịnh đạt năng suất bình quân 71,8 tạ/ha, lợi nhuận 14-20 triệu đồng/ha. Mô hình đã giúp nông dân nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật sản xuất thâm canh các giống lúa lai mới, mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Các mô hình sản xuất rau an toàn ở thôn Định Trung, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Định Trường (xã Vĩnh Quang) đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha. Các mô hình chăn nuôi cũng đem lại kết quả tốt, như mô hình nuôi chình trong ao đất ở xã Vĩnh Quang, mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở xã Vĩnh Thịnh, nuôi gà an toàn sinh học ở xã Vĩnh Thuận... bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông hộ.
Trạm KN huyện cũng đã hướng dẫn hộ nghèo ở các xã tận dụng mặt nước các ao hồ sẵn có tại địa phương phát triển nuôi cá nước ngọt quảng canh cải tiến, thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/ha. Tại hồ chứa nước Định Bình, Trạm hướng dẫn các hộ nghèo ở xã Vĩnh Hảo thực hiện mô hình nuôi cá lồng bằng giống cá điêu hồng, sau 4 tháng nuôi, lợi nhuận bình quân từ 10-13 triệu đồng/hộ. Mô hình này tạo thêm nghề mới, giúp nông dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Trạm KN huyện cũng đã tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 400 lượt hộ nông dân, giúp bà con nắm được quy trình kỹ thuật, biết phương pháp tổ chức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Ngoài tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân trực tiếp tham gia các mô hình, hàng trăm nông dân khác cũng được tham quan, học tập, làm theo.
Nhìn chung, mấy năm gần đây, việc hướng dẫn các hộ nghèo thực hiện mô hình KNKN được Trạm KN huyện Vĩnh Thạnh triển khai thực hiện có hiệu quả, có tính bền vững cao, giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
|