Chương trình khoa học-công nghệ (KH-CN) hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2012-2015 đã chọn hỗ trợ 5 sản phẩm: rượu Bàu Đá, chả cá Quy Nhơn, bánh ít lá gai, nón ngựa Phú Gia và chiếu cói. Trong số này, trừ rượu Bàu đá đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm được ưu tiên lựa chọn đều nằm trong nhóm các sản phẩm có nguy cơ cao bị mất thương hiệu .
Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghệ thông tin Bình Định (HTPTCNTT - Sở KH-CN), đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chương trình nói trên, đã tổ chức điều tra các sản phẩm đặc sản của tất cả các địa phương, ưu tiên các sản phẩm của các làng nghề truyền thống thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Quá trình điều tra, khảo sát, tổng hợp ý kiến của các hộ dân tại các làng nghề truyền thống, các phòng kinh tế của các huyện, thị… đã tổng hợp được 54 sản phẩm đặc trưng của các làng nghề.
|
Chiếu cói là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh được hỗ trợ phát triển. - Trong ảnh: Một hộ gia đình ở Hoài Nhơn đang dệt chiếu. Ảnh: VĂN LƯU |
Trong số các sản phẩm này, chương trình đã lựa chọn và ưu tiên phát triển 5 sản phẩm (đã nêu trên) đảm bảo các các tiêu chí: góp phần xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống, duy trì đặc sản của từng vùng miền; đảm bảo quy mô phát triển bình ổn, khả năng phát triển của sản phẩm sau khi được bảo hộ; có nét đặc trưng riêng; mức độ “nổi tiếng” của sản phẩm và nằm trong nhóm các sản phẩm được tỉnh khuyến khích, ưu tiên phát triển.
Ông Thái Hoàng Uẩn, Giám đốc Trung tâm HTPTCNTT, cho biết: “Các sản phẩm được ưu tiên lựa chọn không chỉ đảm bảo các tiêu chí mà còn là những sản phẩm có nguy cơ cao bị mất thương hiệu hoặc chưa có kế hoạch phát triển một cách cụ thể, bài bản. Chỉ trừ sản phẩm rượu Bàu Đá đã được bảo hộ, các sản phẩm còn lại vẫn còn đang ở tình trạng bị thả nổi, mặc dù đây đều là những sản phẩm được người tiêu dùng trong tỉnh và trong nước biết đến. Chẳng hạn, sản phẩm chiếu cói của Bình Định mặc dù chưa được bảo hộ nhưng rất được ưa chuộng, mang lại việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân các làng nghề, nhất là phụ nữ. Hơn nữa, chiếu cói lại được sản xuất phổ biến tại nhiều huyện địa phương trong tỉnh.
Sau quá trình điều tra, khảo sát và lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, hiện nay, Trung tâm HTPTCNTT đang tiến hành hoàn thiện dự thảo Chương trình KH-CN hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định giai đoạn 2012-2015 để trình UBND tỉnh. Dự kiến, mỗi sản phẩm sẽ có lộ trình phát triển khác nhau. Đối với rượu Bàu Đá đã được bảo hộ, sẽ được hỗ trợ xây dựng chương trình maketing cụ thể, xây dựng mô hình quản lý và phát triển… để góp phần đưa việc sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá phát triển một cách bài bản, hiệu quả và đảm bảo kiểm soát được chất lượng. Ngoài ra, nón ngựa Phú Gia sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. 3 sản phẩm còn lại sẽ được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Sau khi được hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, lập hồ sơ pháp lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các sản phẩm trên sẽ được hỗ trợ công nghệ, thiết bị cần thiết phục vụ sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu…
|