Năm 2012, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS), tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả hơn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác-Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh, quanh vấn đề này.
|
Việc tăng cường công tác bảo vệ NLTS, xây dựng các tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển giúp ngư dân làm ăn thuận lợi hơn.
- Trong ảnh: Ngư dân phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) chuẩn bị ra khơi.
|
* Xin bà cho biết thực trạng hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS trên địa bàn tỉnh ta?
- Tỉnh ta có bờ biển dài 134 km và nhiều đầm phá với NLTS phong phú, tạo nguồn thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân. Hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) phát triển khá mạnh, với tổng số 7.765 phương tiện, tham gia KTTS trên biển và các đầm phá. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển NLTS cũng đã được ngành Nông nghiệp triển khai có hiệu quả với nhiều hoạt động cụ thể.
Tuy nhiên, việc KTTS bằng các nghề trong danh mục cấm vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Ở các vùng ven biển thuộc địa bàn xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ); Nhơn Lý, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn)… có nhiều đối tượng KTTS bằng thuốc nổ đã tận diệt NLTS, phá vỡ các rạn san hô. NLTS trên các đầm: Trà Ổ, Thị Nại, Đề Gi cũng dần bị cạn kiệt do các hoạt động khai thác bằng xung điện xiếc máy và nghề giã cào. Việc ngăn chặn hoạt động nói trên chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa ngành chức năng và các địa phương…
* Chi cục KT-BVNLTS đã làm gì để hạn chế tình trạng xâm hại NLTS bằng các nghề cấm, thưa bà?
- Công tác bảo vệ NLTS đã được chúng tôi tăng cường bằng các hoạt động cụ thể, như: phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật trên lĩnh vực KT-BVNLTS cho người dân. Bên cạnh đó, Chi cục đã đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ NLTS bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí cho các xã, phường triển khai phong trào, đồng thời đưa ra các tiêu chí với trọng tâm là đẩy mạnh công tác quản lý khai thác, quản lý nguồn lợi và bảo vệ môi trường sống cho các loài thủy sản; quản lý bảo đảm an toàn tàu cá; chống sử dụng chất cấm.
Chi cục đang phối hợp và hỗ trợ các xã ven đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) củng cố mô hình đồng quản lý NTTS trên đầm và nhân rộng mô hình đến phường Ghềnh Ráng, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Chi cục còn phối hợp với Ban quản lý Dự án Quỹ môi trường toàn cầu GEF tiếp tục thực hiện mô hình đồng quản lý NLTS khu vực Bắc đầm Thị Nại. Đồng thời tiến hành điều tra tình hình khai thác NLTS, đánh giá hiệu quả hoạt động đồng quản lý tại 2 đầm Thị Nại và Trà Ổ; trên cơ sở đó đề xuất hỗ trợ xây dựng, vận hành các mô hình đồng quản lý NLTS tại 2 khu vực nói trên và thu thập thông tin sơ bộ về tình hình nguồn lợi chình ở đầm Trà Ổ để chuẩn bị cho việc khảo sát và báo cáo đề xuất các biện pháp bảo tồn loài thủy sản này.
Ngoài ra, trong năm 2012 chúng tôi đã ký kết phối hợp với chính quyền các xã ven biển, ven đầm tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các đối tượng hành nghề xung điện xiếc máy, sử dụng các loại chất cấm để KTTS nhằm bảo vệ NLTS được tốt hơn.
* Được biết, công tác quản lý tàu cá và xây dựng các tổ đội đoàn kết KTTS trên biển được Chi cục triển khai có hiệu quả. Bà có thể cho biết thêm vấn đề này?
- Đối với hoạt động quản lý tàu cá, chúng tôi đã hoàn tất chương trình rà soát số liệu tàu cá của 29 xã, phường ven biển trên địa bàn tỉnh với tổng số lượng tàu thuyền được rà soát là 1.344 chiếc, bao gồm 797 tàu bị hỏng, chìm, bị nước ngoài bắt giữ… để tiến hành xóa đăng ký; 503 tàu không rõ nguồn gốc được ngư dân bán hoặc bị ngân hàng thu hồi và bán; và 44 tàu còn hoạt động được đưa vào cơ sở dữ liệu để tiếp tục quản lý.
Việc đăng ký đăng kiểm tàu cá, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá cũng được Chi cục triển khai khá chu đáo. Toàn tỉnh hiện có 7.765 tàu cá, trong đó có 5.162 tàu công suất trên 20 CV và 2.603 tàu dưới 20 CV. Hiện có 7.045 tàu cá đã hoàn tất thủ tục đổi số đăng ký mới, đạt tỉ lệ 90,73%; còn 720 tàu chưa đổi số, chủ yếu là tàu cá công suất nhỏ hoạt động ven bờ.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã tổ chức 6 chuyến công tác lưu động ở các ngư trường Vũng Tàu, Mỹ Tho, Kiên Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để giải quyết cho nhiều tàu cá đã hết hạn đăng kiểm nhưng không có điều kiện đưa tàu về địa phương kiểm tra. Mặt khác, Chi cục đã phối hợp với Hiệp hội cá ngừ Bình Định và Trung tâm Đăng kiểm-Tư vấn nghề cá (thuộc Cục KT-BVNLTS) tổ chức đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng cho ngư dân…
Với việc xây dựng tổ, đội đoàn kết KTTS trên biển, hiện toàn tỉnh đã thành lập được 220 tổ với 470 tàu của ngư dân Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ tham gia. Chi cục đang xây dựng đề án phát triển tổ đội KTTS trên biển, phấn đấu đến năm 2014 sẽ củng cố và thành lập mới 300 tổ đoàn kết với 1.200 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên để ngư dân có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi gặp sự cố trên biển.
* Xin cảm ơn bà!
Chi cục KT-BVNLTS đã hướng dẫn ngư dân hoàn thành các thủ tục để được hỗ trợ chi phí đánh bắt xa bờ theo tinh thần Quyết định 48 của Chính phủ. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ đợt 1 năm 2012 cho 224 hồ sơ của ngư dân có tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên, đánh bắt xa bờ, với tổng số tiền hỗ trợ 7,874 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 153 hồ sơ với số tiền 5,886 tỉ đồng và hỗ trợ máy thông tin liên lạc cho 71 hồ sơ với số tiền 1,988 tỉ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác thủy hải sản đạt hiệu quả hơn. |
|