Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu (SX-KD-XK) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sụt giảm. Làm thế nào để các DN hoạt động sản xuất, xuất khẩu vượt qua khó khăn, thách thức vẫn là câu hỏi khó.
|
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Quy Nhơn. Ảnh: Văn Nam
|
Từ đầu năm đến nay các DN hoạt động SX-KD-XK trên địa bàn tỉnh cũng không thoát khỏi tình trạng khó khăn chung của nhiều DN trong nước. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế thế giới chưa được phục hồi, tình hình kinh tế trong nước và khu vực gặp nhiều khó khăn…
Theo Sở Công Thương, trong tháng 4.2012, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng thấp, trong đó phần lớn các sản phẩm có giá trị sản xuất lớn nhưng tăng thấp hoặc giảm sút so với cùng kỳ, như: Đường RS giảm 4,6%; ghế gỗ giảm gần 53%; thuốc viên kháng sinh giảm gần 20%… Giá trị KNXK toàn tỉnh tháng 4.2012 ước 37 triệu USD, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị KNXK của các DNNN giảm gần 52%; các DNTN giảm 21%; DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 5,2%. Một số mặt hàng XK có sự giảm sút nhiều là: Dăm gỗ giảm 7,3%; giày dép giảm 21,1%; sản phẩm bằng gỗ giảm gần 41%; gạo giảm 37,4%...
4 tháng đầu năm 2012, nhiều DN “mạnh” trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn và giảm sút về giá trị KNXK. Tổng Công ty PISICO, ước thực hiện gần 1,4 triệu USD, chỉ bằng 64,4% so với cùng kỳ năm 2011. Công ty Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định ước thực hiện 468.000USD, bằng 71,3%. Công ty CP Giày Bình Định ước thực hiện gần 1,9 triệu USD, gần bằng 60%. Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt ước thực hiện gần 11 triệu USD, gần bằng 71%. Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành ước thực hiện trên 5,4 triệu USD, gần bằng 88%. Công ty CP Thương mại sản xuất Duyên Hải ước thực hiện gần 2,6 triệu USD, bằng 61%…
Theo ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Do tác động của suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công nên nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm có giá trị của thị trường thế giới ngày càng có xu hướng giảm. Riêng đối với các DN chế biến gỗ xuất khẩu (chiếm khoảng 60% giá trị KNXK toàn tỉnh), thường thì đơn hàng kéo dài đến tháng 6, nhưng năm nay nhiều DN chỉ ký được hợp đồng đến tháng 2 nên vụ mùa kết thúc sớm. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu và các loại giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao (khoảng 30%), cùng với tình hình tỉ giá ngoại tệ bất ổn định đã tác động không nhỏ đến hoạt động SX-KD-XK của các DN. Ngoài ra, những “rào cản kỹ thuật” mà các nước nhập khẩu (nhất là Mỹ và châu Âu) áp đặt, cùng với lãi suất vay của ngân hàng quá cao đã “đẩy” các DN vào thế khó khăn hơn… Ngược lại, đa phần các DN trên địa bàn tỉnh đều thuộc loại DN nhỏ và vừa, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh khá yếu…
Trước thực trạng nói trên, Sở Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng nhiệm vụ kế hoạch của quý II-2012, với những mục tiêu khá “khiêm tốn”: Giá trị KNXK 110 triệu USD (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, nhóm hàng nông sản phấn đấu thực hiện 23 triệu USD (tăng 4%); nhóm hàng thủy sản thực hiện 10 triệu USD (tăng 16%); nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng thực hiện gần 13 triệu USD (tăng gần 49%); nhóm hàng công nghiệp chế biến tiêu dùng thực hiện 8 triệu USD (tăng 10%), nhóm hàng lâm sản ước thực hiện gần 57 triệu USD. Trước mắt, trong tháng 5.2012 phấn đấu thực hiện giá trị KNXK khoảng 35 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Trong số này, nhóm hàng nông sản thực hiện 5,5 triệu USD (tăng 4,4%); nhóm hàng thủy sản 4,5 triệu USD (tăng gần 33%); nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng 5,2 triệu USD (tăng 36,4%); nhóm hàng công nghiệp chế biến và tiêu dùng 4,3 triệu USD (tăng 19%)…
|