Lãi suất vay ở mức hợp lý từ 14-15% để doanh nghiệp có thể khôi phục được sản xuất, vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Các Bộ trưởng đứng lên thanh minh chính sách tiền tệ, tài chính, thuế má… nhưng ý kiến xác đáng thực sự vì lợi ích của DN thì chưa thấy. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận xét này tại Hội thảo về chính sách tiền tệ-tài khóa diễn ra sáng 11/5 tại Hà Nội
|
DN không bán được hàng thì giảm thuế cũng không có nhiều ý nghĩa. |
“Chúng tôi rất tiếc là từ đầu năm đến nay chưa có một Bộ trưởng nào đứng lên giải trình và đấu tranh cho doanh nghiệp một cách đầy đủ, có trách nhiệm và có tính thuyết phục” – TS Nguyễn Minh Phong nói.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thị Hiền – cho rằng: “TS Nguyễn Minh Phong nói đúng. Các Bộ trưởng đứng lên thanh minh chính sách tiền tệ, tài chính, thuế má… có đủ nhưng bênh vực doanh nghiệp thì chưa thấy có tiếng nói nào khả dĩ khiến dư luận chú ý. Trong lúc này, DN mới là giải pháp duy nhất, DN tạo ra tăng trưởng nhưng họ rất khó khăn. Một nửa DN hoạt động cầm chừng, ngừng hoạt động, phá sản… Làm gì có sự ổn định, tăng trưởng trong khi một nửa số DN đang trong tình trạng như vậy”.
Giảm thuế không phải là tin mừng nhất
TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng: 29.000 tỷ cứu DN không phải là cái DN mừng nhất vì 35% hàng tồn kho thì lấy đâu để giảm thuế. Giảm thuế DN cũng mong nhưng mong vừa vừa thôi. Cái người ta mong là tiếp tục vay được tiền với lãi suất chịu đựng được để ít ra khôi phục được sản xuất chứ chưa dám nói đến phát triển. “DN chưa biết bấu víu vào đâu cả, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Bởi NH cũng là DN, họ phải đảm bảo an toàn kinh doanh của mình nên chỉ cho những DN “có sức khỏe tốt” vay” – TS Hiền phân tích.
Chia sẻ thêm về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho các DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho là rất cần thiết để ổn định vĩ mô và đây là con số không lớn so với chi tiêu ngân sách hiện nay. Ổn định vĩ mô không phải là để lạm phát giảm, hoặc các chỉ số giá giảm xuống mà các DN phải đứng được. “Ổn định vĩ mô với cái giá hàng trăm ngàn DN chết như vậy thì cũng không thể tạo được ổn định lâu dài. Thế nên không thể đặt vấn đề ổn định vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải làm sao cứu vãn được DN để ổn định lâu dài” – bà Chi Lan nói.
Bà Chi Lan cũng lưu ý, rút kinh nghiệm của gói kích cầu năm 2009, phải nhắm đúng đối tượng và thực hiện hết sức minh bạch, đánh giá và cập nhật hiệu quả của nó trong từng thời gian để thực hiện có hiệu quả. “Vì cách chúng ta làm các gói hỗ trợ từ trước đến nay chưa đạt được sự minh bạch. Nó chỉ phục vụ cho một nhóm DN mà không phục vụ đông đảo cộng đồng DN, có thể quay lại gây họa cho nền kinh tế”.
Bên cạnh việc giảm thuế, hạ lãi suất thì cần phải có cái gì đó nữa DN mới có thể phát triển được? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, cách đây hơn chục năm có Quỹ bảo lãnh DN vừa và nhỏ. Nhưng sau 5 năm ra đời thì chưa có địa phương nào thành lập quỹ này. Một thể chế cực kỳ quan trọng của cơ chế thị trường, của chính sách tài khóa nhưng mới chỉ được ban hành cho đủ lệ bộ mà không theo, không gây dựng nó. Đến lúc này, khi cần thiết thì quỹ đó ở đâu không ai biết cả. DN vừa và nhỏ không biết bấu víu vào đâu.
“Các NH nhiều tiền quá thì bán trái phiếu CP thì không có ý nghĩa gì trong sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính phủ lại ôm tiền của nhiều NH vào. DN đứng nhìn ai?” – TS Nguyễn Thị Hiền bức xúc.
Thế nhưng, nút thắt của vấn đề được TS Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra, đó là mục tiêu của chúng ta hiện nay là tháo gỡ khó khăn cho DN. Chúng ta đồng lòng rồi nhưng phải xem thực chất DN đang khó khăn ở đâu? Ông Tuấn đã đưa ra một trải nghiệm nhỏ của mình ở Đà Nẵng. “Với chính quyền tôi có 3 câu hỏi: Khó khăn ở lĩnh vực nào, mức độ bao nhiêu và khó khăn như thế nào? Còn với DN, câu hỏi là: Doanh số năm nay so với năm ngoái tăng, giảm bao nhiêu; chi phí tăng giảm thế nào? Nhưng tôi đều không nhận được câu trả lời nào của phía địa phương và doanh nghiệp. Tất cả chỉ kêu ca rất chung chung”.
Từ thực tế này, ông Tuấn cho rằng: “Chúng ta quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN mà chưa biết “bệnh” thế nào thì sao “bốc được thuốc”?”.
Lãi suất ơi, hạ đi!
Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm phải giảm 3 gánh nặng cho doanh nghiệp: tài chính, lãi suất (là quan trọng nhất và thể chế thủ tục hành chính.
Theo nhiều dự báo, đến cuối quí 2/2012 làn sóng doanh nghiệp trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng vì không có đơn đặt hàng hoặc không chịu nổi chi phí vốn cao trực tiếp và gián tiếp làm tăng áp lực thất nghiệp và an sinh xã hội, giảm thu nhập, giảm sức mua thị trường và căng thẳng cân đối NSNN như một vòng xoáy lặp lại với mức độ ngày càng cao.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, việc hạ lãi suất với tư cách là giải pháp hàng đầu tháo gỡ khó khăn cho DN dường như vẫn đang bị thực hiện có tính hình thức, thậm chí “đánh trống bỏ dùi”. Yêu cầu gay gắt hạ lãi suất cho vay trước hết được qui định bởi áp lực phá sản từ phía các doanh nghiệp do lãi suất cao kéo dài. Số lượng doanh nghiệp thua lỗ, phá sản đã, đang và sẽ còn tăng mạnh vì lãi suất cho vay vẫn còn trên dưới 20%/năm – tức là cao hàng đầu thế giới. Chi phí vốn cao và khó khăn thị trường khiến hàng hóa không tiêu thụ được; kéo theo tình trạng chiếm dụng tiền thuế là vốn kinh doanh, chiếm dụng vốn lẫn nhau và các hệ quả kinh tế xã hội lhacs.
Hơn nữa, yêu cầu về hạ lãi suất cho vay còn nhằm bảo đảm công bằng và nâng cao trách nhiệm xã hội của các ngân hàng thương mại trong so sánh với các doanh nghiệp khác. Điều này dễ nhận thấy khi so sánh chênh lệch lãi suất đầu vào (14-17%) và đầu ra (22-25%) của ngân hàng thương mại trong thời gian qua rất cao, chư từng có tiền lệ (từ hơn 8 đến 10%, trong khi chỉ cần 2,5-3% là đủ bù đắp các hoạt động kinh doanh của ngân hàng). Do đó, đang mang lại những món lợi siêu khủng hàng ngàn tỷ đồng, kéo theo mức lương, thưởng trung bình của các đại gia ngân hàng trở thành nỗi buồn của xã hội khi so sánh với đa số các doanh nghiệp khác đang sống lay lắt và người lao động của họ đang hưởng mức lương còm cõi.
Lãi suất cho vay quá cao đang khiến hệ thống doanh nghiệp trở nên nghẹt thở, mất khả năng cạnh tranh, nguy cơ thu hẹp sản xuất, vỡ nợ và giãn nợ, tạo sức ép xã hội ngày càng tăng cao… Vì vậy, việc tái lập và duy trì trần lãi suất cho vay và triển khai các biện pháp đồng bộ khác để bảo vệ các doanh nghiệp và duy trì năng lực, sự bình ổn lành mạnh thị trường tài chính và nền sản xuất xã hội đang trở nên bức thiết hơn.
“Xác lập trần lãi suất cho vay ở mức 15-16% và mềm hóa trần lãi suất huy động (nếu còn giữ lại), điều hành mềm dẻo có nguyên tắc để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn 2 loại trần lãi suất là việc cần làm và làm tốt hơn trong hoạt động ngân hàng” – TS Nguyễn Minh Phong khẳng định.
. Theo VOV online |