Sau 3 phiên điều chỉnh giảm cuối tuần trước, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới, hôm qua (14.5). Áp lực chốt lời gia tăng mạnh nên mặc dù trên sàn TPHCM mã cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng điểm khá tốt cũng không giúp được VN-Index kìm hãm được đà đi xuống.
Kết thúc giao dịch tuần trước, sàn TPHCM có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. VN-Index tích lũy thêm 3,78 điểm và đột phá ngưỡng 480. Tổng khối lượng khớp lệnh cả tuần đạt 596 triệu đơn vị, tương đương 9.862 tỉ đồng, tăng 94,9% so với tuần trước đó. Sàn Hà Nội cũng có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. HNX-Index chốt tuần với mức +0,31 điểm lên mức 81,58 điểm. Khối lượng khớp lệnh tuần đạt 502 triệu đơn vị tương đương với 5.626 tỉ đồng- tăng 91% so với tuần trước.
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng việc VN-Index liên tục giảm trong các phiên cuối tuần nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở ngưỡng cao là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ tiếp tục có những phiên điều chỉnh trong các phiên tới, nhưng xu hướng dài hạn vẫn là tăng điểm. Điều này cũng đã thể hiện ngay trong phiên đầu tuần 14.5.
Trên sàn TPHCM, kết thúc đợt 1 khớp lệnh, với đa số mã giao dịch giảm điểm VN-Index đã giảm 2,37 điểm (-0,49%), xuống 477,73 điểm với giá trị giao dịch khiêm tốn với vỏn vẹn 54,5 tỉ đồng.
Cũng từ ngày 14.5, gần 1,78 tỉ cổ phiếu của VCB chính thức được niêm yết bổ sung, đưa mã này thành cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường. Chính vì vậy, giá của VCB sẽ tác động mạnh tới VN-Index. Ở đợt khớp lệnh liên tục, việc VCB được kéo lên giá trần giúp VN-Index phục hồi dần. Tuy nhiên, sau đó VCB đã không còn giữ được giá trần nữa trong khi nhiều mã khác vẫn đi xuống, đã kéo chỉ số VN-Index xuống còn 472,48 điểm, giảm hơn 7 điểm. Đến cuối phiên giao dịch buổi chiều, lực bán vẫn mạnh hơn lực mua, cho thấy tâm lý các nhà đầu tư có phần chao đảo, rụt rè. Có lúc VN-Index giảm hơn 8,1 điểm, trong khi VN30-Index giảm hơn 10 điểm, dừng ở 537,09 điểm. Kết phiên, tổng số lượng khớp lệnh trên sàn đạt hơn 79 triệu đơn vị, tương đương hơn 1.300 tỉ đồng, cho thấy lượng giao dịch có phần giảm nhẹ.
Trên sàn Hà Nội, sự rung động của thị trường cũng được thể hiện khá rõ với 283 mã giảm điểm, 21 mã đứng giá và chỉ có 26 mã tăng giá, sàn Hà Nội đã mất 2,76 điểm (-3,38%). Các mã chứng khoán như KLS, VND, BVS... đều đi xuống với mức thanh khoản giảm hơn so với các phiên trước đây. Một số ít mã tăng giá không đủ lực đỡ cho thị trường. Cuối phiên, HNX-Index chỉ còn 78,69 điểm, giảm 2,89 điểm. Tuy nhiên, với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 835 tỉ đồng, cho thấy thanh khoản của thị trường vẫn còn khá tốt.
Công ty Bản Việt cho biết thị trường đang tiến gần ngưỡng tâm lý 500 điểm, đây có thể là lý do khiến thị trường khó tăng cao hơn. Nếu VN-Index đóng cửa dưới 474 điểm sẽ đánh mất xu hướng tăng điểm ngắn hạn và nếu giảm dưới 450 điểm sẽ đánh mất xu hướng tích cực trung hạn. Vì vậy, xu hướng giằng co nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên giao dịch kế tiếp.
|