Bình Định - Lâm Đồng:
Hợp tác phát triển công nghiệp chế biến gỗ
22:3', 15/5/ 2012 (GMT+7)

Bình Định và Lâm Đồng nằm ở vị trí khá xa nhau nhưng từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết. Điều đáng nói, hai tỉnh đều có những tiềm năng, thế mạnh để có thể hợp tác phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ (CNCBG). Đó cũng là mục tiêu mà lãnh đạo hai tỉnh đã nhất trí và quyết tâm thực hiện…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (thứ hai từ trái sang) cùng Đoàn công tác tham quan cơ sở sản xuất của một DN ở Lâm Đồng. Ảnh: V.H

 

Tiềm năng từ hai phía

Tỉnh Bình Định có ngành CNCBG phát triển mạnh. Đây là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, với công nghệ tiên tiến, đội ngũ lao động có kinh nghiệm. Cùng với Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, Bình Định là một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) lớn của cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 170 doanh nghiệp (DN), cơ sở CBGXK với tổng công suất thiết kế 345 ngàn m3 gỗ tinh chế/năm. Hầu hết các DN đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 hoặc 2008; thực hiện chuỗi hành trình sản phẩm CoC FSC (có trên 80 DN đã được cấp chứng chỉ). Đồng thời, toàn tỉnh có khoảng 110 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp đến 70 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục (phần lớn xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ…).

Lợi thế của ngành CNCBG tỉnh Bình Định là hình thành và phát triển từ rất sớm; với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Bình Định có cảng biển Quy Nhơn để trực tiếp nhập nguyên liệu và XK sản phẩm bằng đường biển với chi phí thấp; có hệ thống đường sắt, đường bộ thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu nội địa và từ Lào, Campuchia. Phần lớn các DN đầu tư nhà máy với quy mô khá lớn, các mặt hàng chủ yếu là đồ gỗ ngoài trời và đang chuyển dần sang sản xuất đồ nội thất. Các mặt hàng được sản xuất theo đơn đặt hàng từ nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ khác, tạo thành hệ thống khép kín làm ra các sản phẩm từ gỗ, nên tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất... 

Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng lớn về trồng rừng và nguyên liệu gỗ. Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có diện tích rừng chiếm trên 2/3 diện tích đất tự nhiên; đất lâm nghiệp có rừng trên 541 ngàn ha, trữ lượng khoảng 56 triệu m3 gỗ; trong đó rừng trồng chiếm gần 62.000 ha. Lâm Đồng còn có khả năng cung cấp nguyên liệu phục vụ cho CNCBG với khối lượng khai thác bình quân từ 150-240 ngàn m3/năm.

Cũng theo ông Phạm S, nhờ tiềm lực trên, những năm gần đây, ngành CNCBG của Lâm Đồng ngày càng phát triển. Hiện trên địa bàn Lâm Đồng có khoảng 79 DN, cơ sở CBG, trong đó có 22 DN sản xuất gỗ tinh chế. Một lợi thế đối với Lâm Đồng là trong giai đoạn phát triển tới (2013-2015), tỉnh có nguồn nguyên liệu gỗ cung cấp ổn định, bình quân khoảng 240 ngàn m3/năm. Trong đó, gỗ thông chiếm khoảng 166 ngàn m3; gỗ keo và gỗ tạp lá rộng khoảng 74.000 m3. Từ sau năm 2015, sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến sẽ khoảng 300 ngàn m3 gỗ/năm trở lên (gỗ thông khoảng 166 ngàn m3, các loại gỗ keo khoảng 150 ngàn m3...).

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S (người đầu tiên bên trái) giới thiệu với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc (thứ hai từ trái sang) và Đoàn công tác tỉnh Bình Định, về một khu trồng cây nguyên liệu gỗ ở Lâm Đồng. Ảnh: VIẾT HIỀN

 

Hợp tác cùng phát triển

Có thể nói, cả hai tỉnh Bình Định và Lâm Đồng đều có tiềm năng phát triển ngành CNCBG. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, thế mạnh, mỗi tỉnh cũng có những hạn chế, khó khăn. Nguồn nguyên liệu gỗ khai thác tại địa phương của Bình Định chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và tiêu chuẩn sản xuất; hàng năm vẫn phải sử dụng trên 80% nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, Lâm Đồng có tiềm năng về trồng rừng và nguyên liệu gỗ nhưng hoạt động CBG chưa phát triển.

Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Từ lâu, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã gần gũi, thân thiết như anh em một nhà. Nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đều là người Bình Định; trên địa bàn Lâm Đồng hiện có khá nhiều địa danh mang dấu ấn Bình Định như các xã: Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước…

Từ mối quan hệ truyền thống giữa hai tỉnh, thời gian qua, một số đoàn công tác của UBND tỉnh cùng các sở, ngành chức năng và DN hai tỉnh đã tổ chức tham quan, học hỏi và cùng nhau bàn bạc về việc trao đổi, hợp tác để phát triển ngành CNCBG. Từ ngày 11-13.5, Đoàn công tác của tỉnh Bình Định, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Lâm Đồng. Lãnh đạo hai tỉnh đã đi đến thống nhất ký kết chương trình hợp tác phát triển ngành CNCBG giữa hai tỉnh giai đoạn 2012-2016.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc: Chương trình nhằm tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa hai tỉnh trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, phát triển cơ hội đầu tư và thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài nhằm phát triển ngành CNCBG phù hợp với điều kiện của từng tỉnh.

Hai bên xác định: Bình Định sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN của tỉnh Lâm Đồng tiếp cận thông tin về thiết bị công nghệ, quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất kinh doanh; liên kết, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật phù hợp với quy trình công nghệ sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm; trao đổi thông tin thị trường, kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm đồ mộc trên thị trường nội địa. Đồng thời, sẽ hỗ trợ, trao đổi thông tin về các rào cản kỹ thuật thương mại của các quốc gia nhập khẩu; xây dựng đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm đồ gỗ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN Lâm Đồng tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định. Bên cạnh đó, liên kết cung cấp gỗ nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hoặc liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất CBG rừng trồng và chế biến ván nhân tạo; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới CBG, thu hút các DN đầu tư vào các khu, cụm và điểm công nghiệp để sản xuất CBG…

Tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho các DN Bình Định về nguyên liệu, nhất là nguyên liệu gỗ keo, bạch đàn và gỗ tạp từ nhóm V đến nhóm VIII; tạo điều kiện về đất đai trong khu, cụm, điểm công nghiệp để xây dựng nhà máy CBG; tạo điều kiện về đất đai để đầu tư trồng rừng hoặc liên doanh, liên kết, hợp tác trồng rừng nguyên liệu, quản lý rừng; thu mua sản phẩm rừng trồng kết hợp đầu tư chế biến gỗ rừng trồng và các sản phẩm từ phụ phẩm khác. Đồng thời, liên kết tiêu thụ sản phẩm; trao đổi thông tin thị trường, kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm đồ mộc trên thị trường nội địa; hỗ trợ, phối hợp nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của từng địa phương với chủng loại cây trồng tăng trưởng nhanh, chất lượng gỗ bảo đảm phục vụ cho ngành chế biến lâu dài...

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hướng dẫn công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới  (15/05/2012)
Tập huấn kỹ thuật sản xuất rau VietGAP cho nông dân Phù Mỹ  (15/05/2012)
Chưa thu thuế VAT của doanh nghiệp trong 3 tháng  (15/05/2012)
Thủ tướng đồng ý giãn nộp 64.000 tỷ tiền sử dụng đất cứu BĐS  (15/05/2012)
Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm   (14/05/2012)
“Tăng nhiệt” theo thời tiết   (14/05/2012)
Không đáng lo ngại  (14/05/2012)
Di dời hệ thống điện phục vụ thi công cầu Đống Đa - Quy Nhơn  (14/05/2012)
Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Nông nghiệp   (14/05/2012)
USD tự do lên 21.000 đồng/USD  (14/05/2012)
Mỹ Hiệp xây dựng nông thôn mới  (13/05/2012)
Vật nuôi được bảo hiểm bị tiêu hủy sẽ được bồi thường theo thực tế  (13/05/2012)
Tích cực cải thiện năng lực cạnh tranh  (13/05/2012)
Triển khai gói cứu doanh nghiệp 29.000 tỉ đồng  (13/05/2012)
Bình Định - Lâm Đồng hợp tác phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ  (12/05/2012)