Thực hiện thí điểm bảo hiểm chăn nuôi:
Cụ thể các điều kiện bảo hiểm
20:29', 17/5/ 2012 (GMT+7)

Thí điểm bảo hiểm chăn nuôi (BHCN) giai đoạn 2011-2013 theo tinh thần Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn... PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Công ty Bảo Minh Bình Định, thành viên Ban chỉ đạo thí điểm BHCN tỉnh - quanh vấn đề này.

 

Tham gia thí điểm BHCN, người chăn nuôi sẽ được đền bù thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra.

- Trong ảnh: Một gia trại chăn nuôi heo ở xã Nhơn Tân (An Nhơn).

 

* Xin ông cho biết tình hình thực hiện thí điểm BHCN ở tỉnh ta?

- Tỉnh ta được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện thí điểm BHCN heo thịt, heo nái, heo đực giống; bò thịt, bò cày kéo, bò sinh sản và bò sữa. Đến nay, tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ công tác thực hiện thí điểm BHCN và cử các thành viên tham gia tập huấn về việc triển khai thí điểm BHCN do Bộ Tài chính tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị cấp tỉnh về lĩnh vực này.

BCĐ của tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền các địa phương, trên cơ sở đó thống nhất lựa chọn 9 xã: Nhơn Lộc, Nhơn Khánh, Nhơn An (thị xã An Nhơn); Bình Nghi, Bình Tường, Bình Hòa (Tây Sơn); Hoài Mỹ, Hoài Sơn, Hoài Tân (Hoài Nhơn) làm điểm thực hiện thí điểm BHCN. Các huyện, xã, thôn được lựa chọn thực hiện thí điểm BHCN cũng đã thành lập BCĐ, tổ công tác thí điểm BHCN có sự tham gia của các hội, đoàn thể.

Công ty Bảo Minh Bình Định đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng quy trình chăn nuôi, đồng thời cung cấp các dữ liệu và thu thập thông tin, xác định danh sách tổ chức, cá nhân tham gia BHCN, đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo tinh thần Quyết định 315 của Chính phủ. Bảo Minh Bình Định cũng đã đào tạo hơn 70 đại lý tại 9 xã tham gia thí điểm BHCN (mỗi thôn một đại lý, mỗi xã một tổng đại lý), trong tháng 5 này sẽ ký hợp đồng bảo hiểm với đại diện của người chăn nuôi.

* Vì sao Bảo Minh Bình Định không ký hợp đồng BHCN trực tiếp với người chăn nuôi mà lại ký hợp đồng với đại diện của người chăn nuôi?

- Theo quy định và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, chủ hợp đồng là người đại diện do người được bảo hiểm ủy quyền, được sự chấp thuận của UBND xã. Đại diện cho người được bảo hiểm có thể là cán bộ xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong xã. Ở tỉnh ta, các xã tham gia thí điểm BHCN giới thiệu một thôn 1 người (thường là trưởng thôn) đại diện cho người chăn nuôi ở thôn ký hợp đồng BHCN với Công ty Bảo Minh Bình Định.

* Người chăn nuôi phải đóng phí bảo hiểm như thế nào và họ được hưởng quyền lợi gì khi tham gia BHCN, thưa ông?

- Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ, hộ nghèo tham gia BHCN được Nhà nước hỗ trợ 100% phí BHCN, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí BHCN, hộ chăn nuôi bình thường khác được hỗ trợ 60% và trang trại chăn nuôi được hỗ trợ 20%. Theo quy định, số tiền bảo hiểm đối với trâu bò là 10 triệu đồng/con; heo nái là 4 triệu đồng/con, heo thịt là 3 triệu đồng/con. Phí bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm phải đóng được tính như sau: số tiền bảo hiểm nhân với tỉ lệ phí (tỉ lệ phí đối với trâu bò là 4%; heo là 5%). Cụ thể:  Đối với bò, phí bảo hiểm là 400 ngàn đồng/con/năm, nếu là hộ nghèo tham gia bảo hiểm thì không phải đóng phí; hộ cận nghèo phải đóng 80.000 đồng/con/năm, hộ bình thường khác đóng 160 ngàn đồng/con/năm.

Đối với heo nái, heo đực giống, phí bảo hiểm là 200 ngàn đồng/con/năm, hộ cận nghèo phải đóng 40.000 đồng/con/năm và hộ bình thường là 80.000 đồng/năm. Đối với heo thịt, phí bảo hiểm là 150 ngàn đồng, hộ cận nghèo đóng 30.000 đồng/con/năm, chu kỳ nuôi là 4 tháng, hộ bình thường đóng 60.000 đồng/chu kỳ nuôi là 4 tháng. Người được bảo hiểm sẽ được bồi thường trong trường hợp vật nuôi bị chết do các nguyên nhân trực tiếp gây ra bởi thiên tai, bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần; bệnh lở mồm long móng đối với trâu, bò; dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng đối với heo.

Khi xảy ra rủi ro, người được bảo hiểm phải thông báo ngay (chậm nhất là 2 ngày) cho Bảo Minh Bình Định nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa tổn thất, đồng thời phải làm hồ sơ yêu cầu bồi thường theo mẫu như đã được hướng dẫn, giấy chứng nhận hoặc hợp đồng bảo hiểm bằng bản sao. Về phía Bảo Minh Bình Định, sẽ thu thập ảnh chụp vật nuôi bị thiệt hại; biên bản giám định thiệt hại; giấy chứng nhận vật nuôi chết do bệnh, dịch bệnh có xác nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền; công bố bệnh, dịch bệnh hoặc thiên tai, quyết định tiêu hủy nếu có; xác nhận nộp phí bảo hiểm. Bảo Minh Bình Định có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho người chăn nuôi trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ bồi thường hợp lệ theo quy định.

Trường hợp khi xảy ra rủi ro vật nuôi bị dịch bệnh phải tiêu hủy, người tham gia bảo hiểm được bồi thường đối với trâu, bò là 5 triệu đồng/con; heo nái và heo đực giống được bồi thường 2 triệu đồng/con; heo thịt 1,5 triệu đồng/con. Trường hợp vật nuôi bị bệnh và dịch bệnh chết, người chăn nuôi được bồi thường 6 triệu đồng/con bò; heo nái, heo đực giống là 2,4 triệu đồng/con; heo thịt là 1,8 triệu đồng/con từ 5-6 tháng tuổi.

* Xin cảm ơn ông!

  • PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Toàn tỉnh có 4.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm  (17/05/2012)
Các doanh nghiệp tìm hiểu kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU  (17/05/2012)
Hai ngân hàng cho vay với lãi suất 14%/năm  (17/05/2012)
Hơn 90% doanh nghiệp thủy sản cần vay vốn khẩn cấp  (17/05/2012)
Phát động “Gia đình tiết kiệm điện năm 2012”  (17/05/2012)
Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời  (16/05/2012)
Hoàn thành nhiều công trình thủy lợi quan trọng  (16/05/2012)
Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời  (17/05/2012)
Kinh tế VN rơi vào giảm phát  (16/05/2012)
Diện tích dừa giảm mạnh  (15/05/2012)
Hợp tác phát triển công nghiệp chế biến gỗ  (15/05/2012)
Hướng dẫn công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới  (15/05/2012)
Tập huấn kỹ thuật sản xuất rau VietGAP cho nông dân Phù Mỹ  (15/05/2012)
Chưa thu thuế VAT của doanh nghiệp trong 3 tháng  (15/05/2012)
Thủ tướng đồng ý giãn nộp 64.000 tỷ tiền sử dụng đất cứu BĐS  (15/05/2012)