Mới đây, tại TP Quy Nhơn, Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Bộ NN-PTNT phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, BĐKH đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành Nông nghiệp tỉnh; đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó.
Những tác động xấu
Trong thời gian qua, BĐKH toàn cầu gắn liền với sự ấm lên của trái đất, sự dâng cao của mực nước biển đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Theo nghiên cứu của ngành chức năng, trong thời gian gần đây, tỉnh ta đã có những dấu hiệu ảnh hưởng của BĐKH như: nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng lên, lượng mưa nhiều vùng đã giảm rõ rệt, hạn hán ngày càng trầm trọng hơn, bão lũ cũng khắc nghiệt hơn, nước mặn lấn sâu hơn vào các sông ven biển.
|
BĐKH làm cho tình trạng mưa lũ trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
- Trong ảnh: Do ảnh hưởng của bão số 1, nhiều diện tích lúa Đông Xuân ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. |
Đáng chú ý những tác động bất lợi của BĐKH đã gây ra những khó khăn đối với sản xuất lúa và đời sống của người dân vùng đồng bằng ven biển của tỉnh. Những đợt mưa lũ bất thường ở vụ Đông Xuân 2009-2010, Đông Xuân 2010-2011 đã làm trôi dạt, mất giống hàng ngàn ha lúa mới gieo sạ. Triều cường gia tăng cũng tạo nên những tác động bất lợi như: nước biển xâm nhập vào đồng ruộng làm tăng diện tích canh tác lúa bị nhiễm mặn, năng suất lúa cũng bị giảm do đất và nước bị nhiễm mặn. Những vùng bị tác động nặng nhất là các diện tích lúa chân trũng ở khu vực ven đê Khu Đông của Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát. Các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật hàng năm gây nhiều thiệt hại đến năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
BĐKH kết hợp với mực nước biển dâng cũng đã làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, nhiệt độ trên bờ mặt nước biển ấm lên, nồng độ muối thay đổi, làm nguy hại đến các rạn san hô, các thảm thực vật ở các khu vực: Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) - vốn là lá chắn sóng cho khu vực ven bờ. Bằng chứng là nhiều rạn san hô ở các vùng biển này chậm phát triển, các thảm thực vật như rong biển tại các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý bị chết, trôi dạt vào bờ với số lượng lớn. Các bãi cá nổi, cá đáy ở khu vực tuyến bờ và lộng từ TP Quy Nhơn đến Hoài Nhơn có xu hướng ra xa dần. Trong những năm gần đây, mùa vụ cá cơm, cá ồ, cá thu, cá nục tại các ngư trường trong tỉnh đã bị thay đổi và xáo trộn.
Đồng thời, nước biển dâng cao có khả năng làm thay đổi hướng của dòng chảy, dẫn đến thay đổi đường di cư của một số loài thủy sản quý hiếm, như chình mun ở đầm Trà Ổ (Phù Mỹ). Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao dẫn đến môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại, làm phát sinh dịch bệnh trong các loài nuôi...
Chủ động ứng phó
BĐKH đã và đang gây ra nhiều hiện tượng bất thường của thời tiết, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và gây thiệt hại về người và vật chất cho cộng đồng dân cư. Vì vậy, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là rất cần thiết, đặc biệt là đối với người nông dân tham gia trực tiếp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản...
Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để chủ động ứng phó với BĐKH, cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, đánh giá đúng những tác động của BĐKH đến ngành Nông nghiệp để đề ra các giải pháp thích ứng, xây dựng chiến lược truyền thông cộng đồng ứng phó với BĐKH. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về kiến thức phòng chống và đối phó với BĐKH; đề ra một số giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng khai thác hợp lý và bền vững tài nguyên môi trường cùng với phân vùng sản xuất cụ thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể. Xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, sử dụng đất đai phù hợp với tình hình BĐKH hiện nay, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững. Ngành Nông nghiệp cũng tổ chức khảo nghiệm, chọn tạo, nhập nội các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, sớm xây dựng các phương án tái định cư cho người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các vùng ven biển và cửa biển trong tỉnh.
Cụ thể, phải xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo bão lũ và nâng cấp hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn, thông tin về ngư trường nguồn lợi thủy sản; nâng cấp các khu cảng cá và bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Quy Nhơn, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Đề Gi (Phù Cát), với cơ sở hạ tầng phù hợp cho tàu thuyền khai thác thủy sản trú đậu an toàn. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là việc phát triển các mô hình đồng quản lý trong khai thác thủy sản tại các đầm: Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ; đẩy mạnh chương trình toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
|