Doanh nghiệp chế biến hạt điều:
Thiếu vốn, đói nguyên liệu
19:52', 20/5/ 2012 (GMT+7)

Đầu năm 2012 đến nay, các doanh nghiệp (DN) chế biến hạt điều (CBHĐ) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu nguyên liệu chế biến do sản lượng điều trên địa bàn tỉnh giảm và DN không vay được vốn để nhập khẩu nguyên liệu.

 

Chế biến hạt điều tại Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Tân Việt.

 

Thiếu vốn mua nguyên liệu

Bước vào vụ sản xuất năm nay, hoạt động của hầu hết các DN CBHĐ trong tỉnh đều bị ngưng trệ bởi thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân là diện tích và năng suất điều trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm mạnh. Hiện nay, diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 15.000 ha, giảm trên 1.000ha so với năm 2010; trong đó, diện tích điều đang thu hoạch là 14.000 ha, giảm gần 1.000 ha.

Ngoài diện tích giảm, năng suất điều trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đạt bình quân trên 4 tạ/ha, thấp hơn rất nhiều so với năng suất bình quân cả nước (gần 9 tạ/ha), nên nguồn nguyên liệu này không đủ để cung ứng cho các nhà máy CBHĐ trên địa bàn tỉnh hoạt động.

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 DN CBHĐ và một số cơ sở nhỏ, với tổng công suất trên 10.000 tấn/năm, vượt 1.000 tấn/năm so với quy hoạch phát triển của ngành. Với diện tích trồng điều hiện có trên địa bàn, tối đa mỗi năm chỉ thu hoạch được 5.600 tấn. Nếu các DN CBHĐ trong tỉnh thu mua hết số nguyên liệu này thì cũng chỉ đủ để các nhà máy hoạt động chừng 50% công suất. Do vậy, để sản xuất ổn định, lâu nay các DN CBHĐ phải thu mua nguyên liệu ngoài tỉnh và nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, việc mua bán với DN nước ngoài và thủ tục nhập khẩu hạt điều thô không đơn giản; chi phí vận chuyển cao cũng dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, nên các DN làm ăn không có lãi.

Ngoài những khó khăn nêu trên, năm nay, việc nhập khẩu nguyên liệu điều còn gặp khó khăn hơn do DN không có vốn. Ông Phan Hậu, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Tân Việt - một trong những DN CBHĐ quy mô lớn ở tỉnh ta - cho biết: Để dự trữ nguyên liệu, các DN CBHĐ cần một nguồn vốn rất lớn. Mọi năm, chúng tôi vẫn vay được vốn bằng 70% giá trị lô hàng, nhưng nay, các ngân hàng chỉ hứa hẹn cho vay với giá trị 30% lô hàng. Với số tiền này thì không thể giải quyết được vấn đề gì, nên không thể mua nguyên liệu để tái sản xuất trong vụ mới. Hơn nữa, với lãi suất vay như hiện nay, nếu DN nào không xoay vòng vốn nhanh thì việc trả lãi cho ngân hàng là không dễ.

Khó khăn vẫn còn

Do thiếu nguyên liệu, nhiều DN CBHĐ trên địa bàn tỉnh chọn giải pháp giãn sản xuất, một mặt giữ chân lao động, mặt khác tìm giải pháp khả thi để mở rộng thị trường xuất khẩu khi nguồn nguyên liệu dồi dào trở lại. Hiện các DN CBHĐ trên địa bàn tỉnh chỉ thu mua nguyên liệu cầm chừng, chế biến đến đâu thu mua đến đó, chứ không dám vay tiền để mua nguyên liệu dự trữ như những năm trước.

Ngoài ra, ngành điều của tỉnh hiện đang đối mặt với một thực tế là cây điều không mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng một số cây trồng khác trên cùng một chân đất, nên nhiều hộ gia đình đã phá bỏ vườn điều, chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Các DN CBHĐ trên địa bàn tỉnh thường mạnh ai nấy làm, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nên nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản khi thiếu nguyên liệu chế biến hoặc giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao. Do vậy, cái khó về tình trạng thiếu nguyên liệu điều có thể còn kéo dài.

Bên cạnh đó, giá điện, xăng dầu và chi phí nhân công tăng đã đẩy chi phí sản xuất tăng đột biến cũng đã khiến không ít DN CBHĐ trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Thị trường tiêu thụ điều cũng hạn chế do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế khiến các đơn hàng xuất khẩu không dồi dào như các năm trước.

Trước tình hình trên, các DN CBHĐ đã kiến nghị: Nhiều năm nay, CBHĐ là ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, hầu như các DN CBHĐ phải tự “bơi” chứ chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực nào của các ngành, các cấp. Hơn lúc nào hết, các DN CBHĐ cần sự giúp sức của các ngành chức năng, nhất là các ngân hàng.

Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương, cho biết: Hiện vẫn chưa có giải pháp nào khả thi giúp DN CBHĐ trong tỉnh vượt qua khó khăn, vì thị trường xuất khẩu hạt điều là thị trường truyền thống nên DN rất khó mở rộng. Còn nguồn vốn phục vụ cho hoạt động CBHĐ thì ngân hàng chỉ cho vay theo đúng quy định. Muốn công nghiệp CBHĐ phát triển ổn định, các DN cần tập trung nghiên cứu, đưa thiết bị cơ khí tự động, hiện đại phục vụ cho công nghiệp CBHĐ và các sản phẩm sau nhân điều, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán nguyên liệu, các ngành chức năng cần đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh nguyên liệu; tuyển chọn, lai tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống điều cho năng suất cao; cải tạo vườn điều cũ năng suất thấp bằng giống mới; xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cây điều theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng...

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp  (20/05/2012)
Chỉ còn một doanh nghiệp nuôi bò sữa  (20/05/2012)
17.500 tỷ đồng đầu tư đánh bắt xa bờ  (20/05/2012)
Mất điểm trọn tuần, VN-Index lùi về mốc 430 điểm   (19/05/2012)
BIDV Bình Định - 35 năm xây dựng và phát triển  (19/05/2012)
Chủ tịch UBND cấp huyện được phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư cao nhất là 10 tỉ đồng  (19/05/2012)
Tăng cường các giải pháp ứng phó  (18/05/2012)
Đồng ý chủ trương đầu tư Dự án sản xuất các sản phẩm từ chất thải bột đá tại KCN Phú Tài  (18/05/2012)
Quốc hội đồng ý giảm thuế cứu doanh nghiệp  (18/05/2012)
Lãi lớn, DN xăng dầu không giảm giá mà tăng hoa hồng để giành thị phần  (18/05/2012)
Tạm ngưng xuất khẩu 5 loại rau tươi sang EU  (18/05/2012)
Lợi cả đôi đường  (17/05/2012)
Cụ thể các điều kiện bảo hiểm  (17/05/2012)
Toàn tỉnh có 4.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm  (17/05/2012)
Các doanh nghiệp tìm hiểu kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU  (17/05/2012)