Giá điện: Thả nổi hay định giá?
15:35', 23/5/ 2012 (GMT+7)

Dự thảo Luật Điện lực quy định “thả nổi” giá điện, trong khi Luật giá lại đưa điện vào diện “định giá”.

Một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay chính là những thảo luận về giá điện - mà cụ thể là giá bán lẻ điện, một nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Điện lực - sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp lần này. Dự thảo Luật Điện lực quy định “thả nổi” giá điện, trong khi Luật giá lại đưa điện vào diện “định giá”.

 

Phải minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện.

Thống nhất quan điểm, giá điện nói riêng, giá các mặt hàng năng lượng khác nói chung dù có điều hành theo hình thức định giá hay bình ổn giá trong trước mắt thì cuối cùng cũng vẫn phải tuân thủ theo cơ chế giá thị trường, thực hiện đúng quy luật tất yếu của một nền kinh tế thị trường. Vì vậy, phần đông các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem xét lại việc “định giá” đối với các mặt hàng năng lượng chiến lược như điện, xăng dầu trong dự thảo Luật giá. Bởi nếu đưa các mặt hàng này vào diện định giá, cũng đồng nghĩa rằng, các Quyết định (số 24/TTg), Nghị định (số 84/CP) của Chính phủ đã ban hành về điều chỉnh giá bán điện hay kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường không còn hiệu lực.

TS Nguyễn Thành Sơn - GĐ Công ty Năng lượng Sông Hồng quả quyết, cần phải bình tĩnh khi xem xét vấn đề giá, để bài bản đưa tiệm cận với giá thị trường. Phải giảm được chi phí sản xuất với dư địa có thể đạt hàng chục nghìn tỷ đồng/năm chứ không phải chỉ đơn giản là tăng giá bán điện. Bởi giá điện hiện nay trên 1.400 đồng/kwh (tính cả VAT) đó là chưa kể tính lũy tiến theo thang bậc là cao so với mức thu nhập bình quân, với trình độ phát triển kinh tế và GDP của Việt Nam.

Đồng quan điểm này, luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, chi phí đầu vào của việc sản xuất điện phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có những nhân tố chủ quan thuộc về quản lý của ngành điện. Chẳng hạn như tỉ lệ hao phí trong truyền tải, chi phí tiền lương, chi phí quản lý... Vì vậy, việc Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi cho phép “đơn vị điện lực xây dựng giá bán lẻ điện” thay vì quy định “…Cơ quan điều tiết điện lực… xây dựng biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” là một sự thả nổi giá điện một cách vội vã. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng cũng như đời sống dân sinh.

Với phân tích chỉ có thể có giá thị trường trong bối cảnh có cạnh tranh, và giá điện đang ở trong tình trạng chưa thể vận hành theo cơ chế thị trường, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nêu, trước mắt, giá điện phải do Nhà nước quản lý, cần phải có sự định giá nhất định bởi hội đồng định giá quốc gia cũng như bởi Luật giá. Về lâu dài, cần phải gia tăng các hoạt động cạnh tranh trong các lĩnh vực như thủy điện, nhiệt điện và một số nguồn phát điện khác để tiến tới có sự cạnh tranh tạo nên thị trường.

“Hiện nay nếu giao cho ngành điện xây dựng giá thì trong tương lai, khi có sự tham gia của nhiều đơn vị xã hội hóa, mỗi đơn vị sẽ xây dựng một giá điện và Thủ tướng lại duyệt. Như vậy, nó sẽ gây ra tình trạng  "xin cho" và không đảm bảo tính thị trường. Hơn nữa, nếu chỉ có đơn vị xây dựng và Thủ tướng duyệt sẽ thiếu đi 1 khâu rất quan trọng đó là khâu kiểm toán và phản biện xã hội” - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh..

Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), TS Nguyễn Mạnh Hiến - một thành viên trong tổ soạn thảo Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc quy định cho phép đơn vị điện lực xây dựng giá bán lẻ điện là hơi sớm và cần có những hướng dẫn bổ sung cho phù hợp.

Như vậy ngay cả cơ quan soạn luật, cơ quan thẩm tra, giới chuyên gia và công luận vẫn còn những băn khoăn khi đưa ra quan điểm có nên “thả nổi” giá điện hay vẫn đưa điện vào diện bình ổn, định giá. Nhưng tất cả đều có chung một quan điểm nhất quán rằng, đã là hàng hóa thì phải để cho thị trường quyết định giá. Và chỉ khi có thị trường điện một cách đầy đủ, giá điện tất yếu sẽ do thị trường quyết định. Còn trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang đi những bước đầu tiên của lộ trình thị trường điện cạnh tranh. Khi chưa hình thành được thị trường điện cạnh tranh thì chưa thể thả nổi giá điện.

Vì vậy, việc xây dựng giá bán điện phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, được thẩm định bởi các cơ quan quản lý. Điều chỉnh giá bán lẻ điện phải do Thủ tướng Chính phủ quy định. Vấn đề tiên quyết hiện nay là phải minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện. Trong đó, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất và lưu thông phân phối để giảm thất thoát, lãng phí trong quản lý của ngành điện. Không thể tính cả những chi phí do thất thoát truyền tải lớn như hiện nay vào giá điện để buộc người tiêu dùng phải chịu.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thu hồi đất nhiều dự án chậm triển khai  (22/05/2012)
Nỗ lực thi đua “Gia đình tiết kiệm điện - 2012”  (22/05/2012)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,17% so với tháng 4  (22/05/2012)
Phát triển mô hình HTX thủy sản xây dựng nông thôn mới  (22/05/2012)
Cứ mỗi lít xăng, doanh nghiệp xăng dầu lãi 2.100 đồng  (22/05/2012)
Đầu tư gần 15 tỉ đồng xây dựng đập dâng cầu Sắt  (21/05/2012)
Nâng công suất cấp nước sinh hoạt cho 4 thị trấn phía Bắc tỉnh  (21/05/2012)
Thủ tục nhanh gọn, hiệu quả thiết thực  (21/05/2012)
Hơn 360 mã tăng trần, cả ba chỉ số cùng tăng mạnh  (21/05/2012)
BIDV dành 3.000 tỉ đồng hỗ trợ các DN ngành gỗ và lâm sản  (20/05/2012)
Thiếu vốn, đói nguyên liệu  (20/05/2012)
Hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp  (21/05/2012)
Chỉ còn một doanh nghiệp nuôi bò sữa  (20/05/2012)
17.500 tỷ đồng đầu tư đánh bắt xa bờ  (20/05/2012)
Mất điểm trọn tuần, VN-Index lùi về mốc 430 điểm   (19/05/2012)