|
Xã viên HTXNN Phú Hòa thu hoạch lúa Đông Xuân. |
Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (DACTNN) tỉnh, liên minh sản xuất (LMSX) và tiêu thụ lúa giống nguyên chủng bền vững giữa Công ty TNHH Dịch vụ cây trồng (DVCT) Quy Nhơn và HTXNN Phú Hòa, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) đã đạt được kết quả bước đầu, song cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục…
Hiệu quả bước đầu
LMSX và tiêu thụ lúa giống nguyên chủng bền vững giữa Công ty TNHH DVCT Quy Nhơn và HTXNN Phú Hòa là liên minh thứ 3 được thành lập trong năm 2011 thuộc DACTNN tỉnh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. LMSX này có tổng vốn đầu tư trên 8,6 tỉ đồng; trong đó, vốn của doanh nghiệp (DN) hơn 2 tỉ đồng, tổ chức nông dân đóng góp trên 4,3 tỉ đồng và dự án hỗ trợ trên 2,2 tỉ đồng. DN chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và thu mua toàn bộ nông sản cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Tổ hợp tác gồm 96 nông hộ sử dụng 132 ha đất nông nghiệp để sản xuất 2 vụ lúa giống/năm, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha và cung cấp sản phẩm cho DN.
Thời gian thực hiện LMSX từ tháng 4.2011 - 3.2013. Để đảm bảo kế hoạch SXKD đã được phê duyệt, vụ Hè Thu năm 2011 và vụ ĐX 2011- 2012, 96 hộ xã viên của HTXNN Phú Hòa đã sản xuất 66 ha lúa giống nguyên chủng. Theo báo cáo của liên minh, năng suất lúa bình quân của 2 vụ đều tăng hơn so với kế hoạch, tổng sản lượng lúa giống thu được là 409,2 tấn. Trong số 66 ha lúa, có 15,8 ha lúa không đảm bảo chất lượng với sản lượng 97,84 tấn; 50,2 ha lúa đảm bảo chất lượng với sản lượng 311,36 tấn. Lượng giống đảm bảo chất lượng đã được Công ty TNHH DVCT Quy Nhơn thu mua là 193,95 tấn với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm, lượng giống còn lại được trao đổi nội bộ trong HTX.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của LMSX và tiêu thụ lúa giống nguyên chủng bền vững, từ tháng 4.2011 đến nay, bà con xã viên được hỗ trợ mua sắm 14 máy cắt lúa, máy tuốt lúa, máy cày tay; 74 tấm bạt nhựa dùng để phơi lúa và một số loại phân bón; HTXNN Phú Hòa được hỗ trợ mua máy vi tính, máy in… với tổng số tiền trên 1,325 tỉ đồng.
Vừa qua, tại phường Nhơn Hòa, Ban quản lý DACTNN tỉnh, Công ty TNHH DVCT Quy Nhơn và HTXNN Phú Hòa đã tổ chức hội nghị sơ kết sau 1 năm thực hiện LMSX và tiêu thụ lúa giống nguyên chủng bền vững. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, LMSX đã góp phần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, gắn sản xuất với thị trường; đồng thời tạo động lực đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư. Đối với nông dân, thực hiện liên minh đã giúp bà con nâng cao khả năng thâm canh cây trồng, sản xuất có hiệu quả hơn. Về phía DN, việc thu mua nguyên liệu chủ động hơn, tránh được những thời điểm khủng hoảng thừa hoặc thiếu nguyên liệu, nên việc sản xuất, kinh doanh có kế hoạch hơn, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Nhiều tồn tại cần khắc phục
Tuy vậy, quá trình thực hiện liên minh đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể HTXNN Phú Hòa chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình trong việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình đầu tư, chăm sóc lúa, thu hoạch và bảo quản… cho các hộ xã viên tham gia liên minh. Việc giải quyết nguồn vốn hỗ trợ của dự án cho xã viên mua máy móc chưa đạt yêu cầu; việc huy động vốn của xã viên tham gia liên minh để mua sắm máy móc, vật tư phục vụ sản xuất chưa kịp thời. Nhiều xã viên chưa áp dụng đúng quy trình đầu tư chăm sóc lúa, diện tích lúa không đảm bảo chất lượng chiếm tỉ lệ khá cao, dẫn đến sản lượng lúa không đảm bảo chất lượng lớn, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Nhìn chung, Ban quản trị HTX và bà con xã viên chưa thực hiện đúng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của liên minh.
Bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Ban quản lý DACTNN tỉnh, cho biết: Kế hoạch sản xuất, kinh doanh của LMSX và tiêu thụ lúa giống nguyên chủng đã được WB xem xét và đồng ý hỗ trợ cho Công ty TNHH DVCT Quy Nhơn và HTXNN Phú Hòa thực hiện là điều kiện thuận lợi để liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành một tổ chức có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất với quy mô diện tích đất sản xuất ổn định, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo yêu cầu của thị trường. Qua đó tăng tính cạnh tranh sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần giải quyết việc làm ổn định cho bà con xã viên. Bởi vậy, chúng tôi đã yêu cầu HTXNN Phú Hòa và bà con xã viên thực hiện nghiêm túc kế hoạch SXKD đã được duyệt, nhằm đảm bảo yêu cầu của nhà tài trợ. Trong đó, HTXNN Phú Hòa phải tăng cường công tác tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đầu tư chăm sóc lúa, đồng thời thường xuyên họp dân để giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, nhằm tăng sản lượng lúa giống đảm bảo chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất.
Cũng theo bà Trần Thị Kim Oanh, trong năm 2012, HTXNN Phú Hòa phải đôn đốc việc huy động vốn đối ứng của các xã viên tham gia liên minh để mua sắm máy móc, phân bón… phục vụ sản xuất. Bà con xã viên cũng cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình đầu tư, chăm sóc, bảo quản sản phẩm để cung cấp cho DN. Công ty TNHH DVCT Quy Nhơn phải thu mua và thanh toán tiền cho xã viên theo đúng hợp đồng đã ký kết.
|