|
Nhiều hộ đã lấn chiếm đất khu vực phía Tây tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Tam Quan thuộc địa bàn xã Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ) để đầu tư nuôi tôm. |
Hiện nay, có nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm đất lâm nghiệp ở khu vực phía Tây tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Tam Quan (QN-TQ) thuộc địa bàn xã Mỹ An, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) để nuôi tôm trên cát, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Thời gian qua, nhiều hộ dân đã gởi đơn đề nghị chính quyền địa phương cấp đất tại khu vực nói trên để nuôi tôm, nhưng không được giải quyết, vì tỉnh và huyện Phù Mỹ không có chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát tại khu vực phía Tây tuyến QN-TQ. Tuy vậy, vùng đất trên đã bị người dân “xí phần” xây dựng ao nuôi tôm. Quan sát khu phía Tây tuyến QN-TQ thuộc địa phận xã Mỹ An, chúng tôi thấy cả một vùng đất rộng lớn đã trở thành những hồ tôm, đất cát vung vãi, vật liệu xây dựng và các dụng cụ phục vụ nuôi tôm nằm ngổn ngang.
Vùng nuôi tôm trên cát ở các xã Mỹ An, Mỹ Thắng là bãi ngang ven biển, vốn là khu vực có nguồn nước ngọt rất hạn chế so với các nơi khác; trước đây người dân đã thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Theo cơ quan chức năng, trung bình mỗi hecta nuôi tôm trên cát cần 50.000m3 nước ngọt/vụ. Việc khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ nuôi tôm ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng: phá vỡ hệ sinh thái vùng cát, làm cạn kiệt nhanh mạch nước ngầm, tăng hiện tượng sụt lún địa tầng, xói mòn đất cát ven biển, ảnh hưởng đến nguồn nước và đất sản xuất... Sự suy giảm nguồn nước ngọt có thể dẫn đến khô kiệt, khiến nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền. Mặt khác, do khu vực này chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nên việc xử lý nước thải gặp rất nhiều khó khăn. Các ao nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý chất thải mà phần lớn là xả ra những chỗ đất trũng. Theo tài liệu khoa học, bình quân mỗi hecta tôm nuôi sẽ thải ra 8 tấn chất thải/năm. Việc thẩm lậu các chất thải này sẽ gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Thực tế cho thấy, do thải trực tiếp quá nhiều chất thải ra môi trường, nên môi trường nước ở khu vực này đã bị ô nhiễm, các loại dịch bệnh nguy hiểm đã và đang xuất hiện gây hại tôm nuôi, khiến cho nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ nặng.
Có thể nói, nghề nuôi tôm trên cát đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho một bộ phận dân cư ven biển ở huyện Phù Mỹ, nhưng những hiểm họa khó lường tác động đến môi trường cũng rất lớn. Trong đó cũng có nhiều hộ bị thất bại do không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, tự nhiên và do dịch bệnh. Bởi vậy, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phải xử lý và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng hồ nuôi tôm ở khu vực nói trên.
|