Khi giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Sáng nay 31.5, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.
Theo Dự thảo Quyết định Quy định về giá bán lẻ điện, giá bán lẻ điện được điều chỉnh trên cơ sở giá bán điện bình quân. Khi có biến động các thông số đầu vào cơ bản của khâu phát điện, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh. Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là ba tháng.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo.
Còn trong trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trên 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, Bộ Công Thương phê duyệt phương án điều chỉnh giá bán điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định Cơ chế và thẩm quyền điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần điều chỉnh theo chi phí hợp lý, hợp lệ của tất cả các khâu. Cụ thể, trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ biến động làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Khi giá biến động trên 5% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau 15 ngày làm việc mà Bộ Công Thương chưa có ý kiến, dự thảo luật cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cho rằng việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và bảo đảm an ninh năng lượng.
Về giá điện, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thời gian qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ sản xuất, sử dụng ít điện năng.
Và tại phiên thảo luận về Dự án Luật giá ngày 28.5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khi chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không định giá cụ thể đối với giá bán lẻ điện, không để doanh nghiệp tự định giá.
. Theo Dân trí |