Ngân hàng liên doanh Lào - Việt:
Biểu tượng đẹp của mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào
20:54', 31/5/ 2012 (GMT+7)

Cuối tháng 5.2012, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra buổi giao lưu, trao đổi giữa lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng (NH) 2 nước, trong đó có NH liên doanh Lào - Việt (LVB). Sau 13 năm hoạt động, LVB đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, là một biểu tượng đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào.

 

Các DN Bình Định tham gia hội chợ thương mại tại Lào.

- Trong ảnh: Phó Thủ tướng Lào (người đứng giữa) cắt băng khai mạc hội chợ.

 

Hiệu quả từ sự hợp tác

Cho đến bây giờ, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn chưa quên cảm xúc và những kỷ niệm của ngày 22.6.1999, tại thủ đô Viêng Chăn (Lào). Đó là ngày LVB chính thức khai trương, đi vào hoạt động. Trên cơ sở Hiệp định hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam và Lào, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và NH Trung ương hai nước, 2 NHTM quốc doanh hàng đầu của Việt Nam và Lào là BIDV và BCEL đã góp vốn (50%-50%) thành lập LVB. Nhiệm vụ của LVB là tạo cầu nối thanh toán và chuyển đổi đồng tiền hai nước (VNĐ và Kíp Lào), phục vụ quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Lào.

LVB là liên doanh giữa BIDV và BCEL với vốn điều lệ ban đầu 10 triệu USD. Theo ông Phansanna  Khounouvong, Phó Tổng Giám đốc BCEL, nguyên Chủ tịch HĐQT LVB, từ 10 triệu USD ban đầu, đến năm 2005, vốn điều lệ của LVB đã tăng lên 15 triệu USD. Tháng 2.2012, được sự chấp thuận của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương hai nước Việt Nam- Lào, BIDV và BCEL đã góp vốn bổ sung để tăng vốn điều lệ LVB từ 15 triệu USD lên 37,5 triệu USD, đồng thời thay đổi cơ cấu góp vốn, theo đó BIDV nắm 65%...

Theo ông Trần Bắc Hà, kể từ đây, LVB chính thức trở thành “NH con” của BIDV ở nước ngoài. Đồng thời, BIDV cũng trở thành NH Việt Nam đầu tiên có NH con ở nước ngoài.

LVB có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và hiệu quả hoạt động, trở thành 1 trong 3 NHTM lớn tại Lào về quy mô và tổng tài sản, tiền gửi và dư nợ tín dụng.

LVB đã xây dựng, phát triển 5 chi nhánh hoạt động tại các địa bàn kinh tế trọng điểm của 2 nước. Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động kinh doanh của LVB liên tục có lãi. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của LVB đã đạt trên 420 triệu USD, vốn huy động đạt 375 triệu USD, dư nợ tín dụng gần 268 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 2,8 triệu USD...

Ngoài kinh doanh tốt, LVB còn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và là cầu nối doanh nghiệp 2 nước trong xúc tiến đầu tư, cung ứng tín dụng và thực hiện giải ngân cho các dự án hợp tác giữa 2 Chính phủ…

Riêng đối với Bình Định, thời gian qua, nhiều công trình, dự án của các DN trong tỉnh đã được triển khai thực hiện tại Lào. Chỉ tính riêng khu vực Nam Lào, các doanh nghiệp (DN) của Bình Định đã triển khai 11 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 48,2 triệu USD. Tiêu biểu trong số này là các dự án của Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR), Công ty cổ phần Công-Nông nghiệp Bình Định (BIDINA)… Cụ thể, BIDIPHAR đã liên doanh với Xí nghiệp Chế biến dược phẩm Champasăk (Lào) thành lập Công ty Dược phẩm CBF, với tổng giá trị đầu tư 2 triệu USD; Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt thực hiện Dự án trồng 5.000 ha cây cao su tại tỉnh Sêkông; Công ty BIDINA thực hiện Dự án trồng 9.500 ha cao su và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su…

Mãi là biểu tượng đẹp

Theo ông Trần Lục Lang, Chủ tịch HĐQT LVB, hiện nhu cầu đầu tư của các DN Việt Nam sang Lào khá lớn. Ngoài các dự án của DN Bình Định, hiện có 213 dự án của các DN Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,46 tỉ USD, đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào. Một số dự án lớn đang và sắp triển khai, có nhu cầu vốn lớn cần giải ngân ngay trong năm 2012 như: Dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (410 triệu USD), Tập đoàn Hóa chất (450 triệu USD), Tập đoàn Hòa Phát (150 triệu USD), BIM Group (70 triệu USD), An Phú (45 triệu USD)…

Chính vì vậy, lãnh đạo BIDV và BCEL đã đi đến nhất trí tăng vốn điều lệ cho LVB từ 37,5 triệu USD lên 70 triệu USD. Theo ông Trần Bắc Hà, với việc tăng vốn điều lệ lần này, LVB sẽ trở thành NH đứng thứ 2 về quy mô vốn điều lệ tại Lào, chỉ sau BCEL; đồng thời tỉ lệ sở hữu của BIDV vẫn tiếp tục được duy trì (45,4 triệu USD).

Ông Trần Lục Lang cho biết: Việc tăng vốn điều lệ góp phần tăng năng lực tài chính để LVB tiến tới đáp ứng các chuẩn mực về an toàn vốn theo thông lệ quốc tế, đồng thời giúp LVB nhanh chóng mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động kinh doanh tại thị trường Lào; giúp LVB đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về vốn cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, trong đó có dự án của các DN Bình Định. Đặc biệt, việc xây dựng LVB trở thành NH hàng đầu tại Lào cũng chính là xây dựng mối quan hệ truyền thống hữu nghị Việt - Lào…

Để mối quan hệ hợp tác BIDV - BCEL và LVB thực sự hiệu quả, bền chặt, theo ông Trần Bắc Hà, cán bộ, nhân viên NH của 2 nước cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Sắp tới, Lào sẽ là thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Đây là cơ hội, song cũng là thách thức đối với BIDV, BCEL và LVB nói riêng, vì vậy cần phải nỗ lực nhiều hơn. 

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng thấp  (31/05/2012)
EVN được tự quyết tăng giá điện ở mức 5%  (31/05/2012)
Còn nhiều bất cập  (30/05/2012)
Khai tử sim “rác”?  (31/05/2012)
Hội thảo “Vật liệu xây dựng không nung”  (30/05/2012)
Giá gas tháng 6 sẽ giảm mạnh  (30/05/2012)
Hậu quả khó lường  (30/05/2012)
Nhiều tồn tại, hạn chế  (29/05/2012)
Cần cộng đồng hưởng ứng tích cực  (29/05/2012)
18 DN tham gia Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa  (29/05/2012)
Công khai 23 doanh nghiệp nợ thuế  (30/05/2012)
Thực hiện 4 mô hình quản lý rừng cộng đồng bền vững  (29/05/2012)
Hợp tác tăng vốn điều lệ cho LVB lên 70 triệu USD  (29/05/2012)
Hạ thủy tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung  (29/05/2012)
Một số giải pháp bình ổn giá trong tháng 6  (29/05/2012)