Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đang triển khai mô hình Điểm giao dịch (ĐGD) xã và tổ tiết kiệm-vay vốn (TK-VV) mẫu. Mô hình mới như một “ngân hàng di động đa năng”, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các thôn, làng trên địa bàn tỉnh vay vốn từ NHCSXH. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, quanh vấn đề này.
● Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc thành lập ĐGD xã và tổ TK-VV mẫu?
- Thời gian qua, nhờ sự phối hợp của Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) nhận ủy thác, bước đầu, hoạt động của ĐGD xã và tổ TK-VV tại 159 xã và 2.808 thôn, bản, làng trong tỉnh đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn, bất cập. Một số ĐGD xã chưa giao dịch đúng ngày; các bảng, biển hiệu công khai còn thiếu, chưa đầy đủ nội dung; các cuộc họp giao ban tại xã đánh giá chưa sát thực tế, chưa nêu được những mặt còn tồn tại, khó khăn và giải pháp khắc phục. Lãnh đạo một số xã chưa tham gia chỉ đạo công tác tín dụng trên địa bàn…
|
Một buổi giao dịch của tổ TK-VV tại xã Ân Tường Đông (Hoài Ân). |
Đối với tổ TK-VV, một số tổ hoạt động yếu kém, chưa thực hiện đủ nội dung được ủy nhiệm; công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ vay chưa tốt; việc lưu giữ giấy tờ, sổ sách chưa khoa học; chưa tích cực đôn đốc hộ vay nộp lãi, tiết kiệm… Vì vậy, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã quyết định lập kế hoạch và triển khai thí điểm xây dựng mô hình mẫu ĐGD xã, tổ TK-VV, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số… vay vốn từ NHCSXH.
● Ông có thể cho biết một số tiêu chí của ĐGD xã và tổ TK-VV?
- Trên cơ sở chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, chúng tôi đã đề ra các tiêu chí đối với hoạt động của ĐGD xã và tổ TK-VV mẫu. Trong đó, điều kiện của một số tiêu chí có cao hơn so với một số địa phương. Tiêu chí đề ra đối với ĐGD xã là: Phải thực hiện đầy đủ theo lịch cố định ít nhất 1 tháng 1 lần, không nghỉ ngày nào; có nơi làm việc tại trụ sở UBND xã đảm bảo an toàn, thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị; tỉ lệ giao dịch tại xã giải ngân đạt 100% (trừ cho vay trực tiếp), thu nợ đạt 97%, thu lãi đạt 98% tổng số tiền chi trên tổng số tiền thu được tại ĐGD xã đạt từ 90% trở lên…
ĐGD xã phải công khai đầy đủ các biển hiệu, biển chỉ dẫn, bảng thông báo chính sách tín dụng ưu đãi, nội quy giao dịch… Tổ giao dịch thuộc PGD xã phải thực hiện đúng quy trình giao dịch (tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn; thực hiện phát tiền vay, thu nợ gốc, lãi…); phối hợp với UBND xã, các tổ chức hội, đoàn thể xã triển khai nhiệm vụ giao dịch, xử lý các rủi ro tín dụng và kiểm tra giám sát vốn vay… Đồng thời, ĐGD xã phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giao ban; tổ chức đầy đủ các cuộc họp giao ban hàng tháng giữa NHCSXH với đại diện các tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã, tổ TK-VV; xây dựng thời gian biểu của ngày giao dịch hợp lý cố định…
Đối với tổ TK-VV, phải tổ chức sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất. Nội dung họp phải hướng đến việc phổ biến các chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước, ngân hàng, nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ, nộp lãi, tiết kiệm, phổ biến các kiến thức về chuyển giao kỹ thuật; thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đối với 100% thành viên vay vốn; tỉ lệ thu lãi phải đạt từ 98% trở lên. Đặc biệt, tổ TK-VV không có nợ quá hạn, không có nợ xâm tiêu, chiếm dụng; 100% thành viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng và phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ và có bài thu hoạch đạt điểm khá trở lên…
● Ở trên ông có nói đến việc một số tiêu chí ở tỉnh ta có cao hơn một số địa phương?
- Đúng vậy. Bởi vì, nhiều năm qua, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện khá hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và NHCSXH trong công tác tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nên chúng tôi nâng mức yêu cầu của một số tiêu chí. Chẳng hạn, NHCSXH Việt Nam yêu cầu tỉ lệ giải ngân của ĐGD các xã mẫu là 90%, nhưng chúng tôi yêu cầu phải đạt 100%. Nghĩa là, nếu có phát sinh giải ngân thì đều phải thực hiện tại xã. Về thu nợ, NHCSXH Việt Nam yêu cầu ĐGD xã phải đạt 80%, chúng tôi yêu cầu phải đạt 97%. Về thu lãi, NHCSXH Việt Nam yêu cầu đạt 90%, chúng tôi yêu cầu phải đạt 98%...
● Qua kết quả kiểm tra hoạt động tại các ĐGD xã và tổ TK-VV mẫu, ông đánh giá như thế nào về mô hình này, thưa ông?
- Vâng, chúng tôi vừa kiểm tra hoạt động tại ĐGD xã và tổ TK-VV mẫu trên địa bàn tỉnh. Kết quả rất khả quan. Các ĐGD và tổ TK-VV mẫu giống như một “ngân hàng di động đa năng”, vừa tiết kiệm được chi phí đi lại, vừa giúp cho các tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, hiệu quả.
Giờ đây, hoạt động của ĐGD xã và tổ TK-VV mẫu ngày càng đi vào quy củ, nền nếp. Mỗi tháng 1 lần, các ĐGD xã, tổ TK-VV họp định kỳ, ngoài việc nhắc nhở trả nợ, trả lãi đúng hạn, các hộ còn được phổ biến những chủ trương, chính sách mới; những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Đặc biệt là không còn xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Tiêu biểu trong số này là tổ TK-VV phụ nữ thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh), do chị Nguyễn Thị Hải làm tổ trưởng, có 54 tổ viên nhưng số tiền cho vay đã lên đến 1,3 tỉ đồng và số tiền gửi tiết kiệm đạt 52 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều tổ viên đã được vay vốn ưu đãi, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Một số hộ vay tới 30 triệu đồng để chăn nuôi bò, nuôi cá lồng… Ngoài ra, còn có nhiều ĐGD xã và tổ TK-VV mẫu tiêu biểu ở An Hòa (An Lão); Canh Vinh (Vân Canh)…
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, những “điểm sáng” nói trên sẽ được nhân rộng, lan tỏa, và mô hình này sẽ được triển khai hiệu quả tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
● Xin cảm ơn ông.
|