Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã và đang triển khai ở tỉnh ta bằng nhiều hoạt động cụ thể, từng bước đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nông dân trong tỉnh. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án (BQLDA) CTNN tỉnh, về việc thực hiện dự án này.
|
Công trình nâng cấp, cải tạo kênh tưới N1 hồ Hội Khánh, xã Mỹ Hòa - Phù Mỹ, do dự án CTNN tài trợ, đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ cho 450 ha cây trồng tại địa phương.
|
* Xin bà cho biết tình hình thực hiện Dự án CTNN ở tỉnh ta?
- Bình Định là 1 trong 8 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện Dự án CTNN. Dự án gồm có 4 hợp phần: Hợp phần A- tăng cường công nghệ nông nghiệp; hợp phần B- hỗ trợ liên minh sản xuất (LMSX); hợp phần C- cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu; hợp phần D- hỗ trợ quản lý dự án.
Đối với hợp phần A, BQLDA đã tổ chức 4 đợt sàng lọc danh sách ngắn và được WB cho phép thực hiện 17 chủ đề công nghệ nông nghiệp. Đến nay, có 4 chủ đề đã hoàn thành, được chính quyền và nông dân tham gia dự án đánh giá cao. Các chủ đề còn lại đã và đang được triển khai, nhằm đảm bảo yêu cầu của nhà tài trợ. Trong khuôn khổ của hợp phần A, BQLDA cũng đã ký hợp đồng trách nhiệm với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện giám sát và kiểm tra dư lượng hóa chất trên các loại rau xanh tại nhiều địa phương và tại các chợ trong tỉnh, đồng thời hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn.
Đối với hợp phần B, đến nay đã có 11 LMSX mới được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Nhiều LMSX tổ chức tốt hoạt động sản xuất và thu mua nông sản, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân. BQLDA đang tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời giám sát hoạt động của các LMSX, nhằm giúp các LMSX hoạt động hiệu quả hơn.
Với hợp phần C, trên cơ sở danh sách các tiểu dự án do các địa phương và LMSX đề xuất, BQLDA đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 4 đợt sàng lọc, và nhà tài trợ cho phép thực hiện 18 tiểu dự án nâng cấp, cải tạo kênh mương dẫn nước và đường giao thông tại các vùng sản xuất thực hiện LMSX ở Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, TP Quy Nhơn… với tổng chiều dài kênh mương 19,248 km và 9,69 km đường giao thông. Trong đó, có 4 tiểu dự án (nâng cấp, cải tạo kênh tưới N1 hồ Hội Khánh, xã Mỹ Hòa - Phù Mỹ; nâng cấp đường giao thông liên thôn và cải tạo kênh tưới vùng sản xuất mía xã Nhơn Thọ - An Nhơn; nâng cấp, cải tạo kênh tưới N1 Trạm bơm Thuận Nghĩa - thị trấn Phú Phong; nâng cấp, cải tạo kênh tưới Bình Lâm, xã Phước Hòa - Tuy Phước) đã nghiệm thu đưa vào sử dụng từ vụ Đông Xuân 2011-2012, phục vụ 1.155 ha cây trồng tại các địa phương. Hiện nay BQLDA đang hoàn tất các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các tiểu dự án còn lại.
Hợp phần D - hỗ trợ quản lý dự án và tăng cường thể chế, cũng đã thực hiện với nhiều hoạt động như: mua sắm trang thiết bị văn phòng; cử cán bộ BQLDA tham dự các lớp đào tạo, tập huấn và tham quan, học hỏi kinh nghiệm do WB và Ban điều phối Trung ương tổ chức…
* Các hợp phần của dự án được thực hiện có đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của các đối tượng tham gia, thưa bà?
- Tất cả các chủ đề, các hoạt động của dự án đã và đang thực hiện đều là những vấn đề bức xúc, cấp thiết ở địa phương do ngành chức năng, chính quyền, nông dân và các doanh nghiệp đề xuất. Bởi vậy, các đối tượng tham gia đều rất hài lòng với các hoạt động của dự án. Nhiều tiểu dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều LMSX hoạt động hiệu quả, và các hoạt động hỗ trợ của dự án đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của bà con nông dân vùng dự án.
* Được biết, trong quá trình thực hiện dự án cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Bà có thể cho biết thêm về vấn đề này?
- Điều kiện tự nhiên ở tỉnh ta không thuận lợi cho việc thực hiện các hợp phần của dự án; diện tích sản xuất của các hộ nông dân không lớn; trang trại sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp không nhiều, quy mô sản xuất nhỏ; các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trên địa bàn tỉnh quá ít và quy mô nhỏ. Do đó việc triển khai thực hiện dự án gặp khó khăn nhất định. Sự phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan trong ngành để triển khai đề xuất các chủ đề nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng, chủ đề và triển khai xây dựng, thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu còn chưa chặt chẽ. Việc một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng cho dự án, nhất là vốn đối ứng cho công tác tư vấn thiết kế, thẩm định, bồi thường giải phóng mặt bằng của các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án…
* BQLDA đã có giải pháp nào nhằm tăng hiệu quả thực hiện dự án?
- Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả dự án này. Cụ thể: đối với hợp phần A, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chủ đề đã và đang triển khai, chúng tôi tiếp tục hoàn tất các thủ tục và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện chủ đề nhân rộng “Chuyển giao công nghệ phòng trừ bệnh héo rũ trên cây đậu phụng”, và chủ đề “Chuyển giao kỹ thuật ươm giống cây keo lai nuôi cấy mô”. Bên cạnh đó, BQLDA sẽ triển khai thực hiện các chủ đề mới, như: Xây dựng mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP; chuyển giao kỹ thuật ươm giống hoa huệ chất lượng cao, sạch mầm bệnh…, đồng thời tổ chức tổng kết các chủ đề đã thực hiện xong.
Đối với hợp phần B, BQLDA theo dõi và hướng dẫn các đối tượng tham gia LMSX hoạt động theo đúng quy định của dự án, đảm bảo hiệu quả. Đối với hợp phần C, chúng tôi cố gắng thực hiện 7 tiểu dự án nâng cấp đường giao thông và kênh mương nội đồng tại các vùng sản xuất ở xã Ân Tín (Hoài Ân); Hoài Đức (Hoài Nhơn); An Hòa (An Lão) thị trấn Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thạnh)… Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch về nâng cao năng lực quản lý và tăng cường thể chế của Dự án nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2012 của dự án, đồng thời làm tiền đề để thực hiện hoàn thành kế hoạch cả dự án vào những năm tiếp theo.
* Xin cảm ơn bà!
|