Trồng rừng theo Dự án Kfw6:
Hiệu quả tích cực
21:21', 3/6/ 2012 (GMT+7)

Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Hầm Hô trên địa bàn xã Tây Phú (Tây Sơn) được quản lý, bảo vệ khá tốt.

Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững (còn gọi là Dự án KfW6) do Chính phủ Đức hỗ trợ vốn được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2006. Dự án này đã thu hút nhiều hộ dân tham gia và bước đầu đạt hiệu quả khả quan về mặt lâm sinh, tính đa dạng sinh học…

Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục và quản lý bền vững các diện tích rừng ở những nơi có nguy cơ bị đe dọa về sinh thái; quản lý bền vững rừng thứ sinh, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, tạo việc làm cho người dân. Tổng kinh phí đầu tư cho Dự án này là 12,3 triệu EURO, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức là 9,715 triệu EURO. Thời gian thực hiện Dự án trong 9 năm, từ 2005 đến 2013, 6 năm đầu tổ chức trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ và 3 năm hậu Dự án.

Bình Định là 1 trong 4 tỉnh của khu vực miền Trung được chọn tham gia thực hiện Dự án. Tỉnh đã đăng ký khôi phục và quản lý bền vững khoảng 22.700 ha rừng ở những nơi có nguy cơ bị đe dọa về môi trường sinh thái và quản lý bền vững khoảng 10.000 ha rừng thứ sinh, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm ổn định cho khoảng 15.000 hộ nông dân, đảm bảo thu nhập thường xuyên thông qua việc khai thác các sản phẩm dưới tán rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện tham gia Dự án KfW6 là Hoài Nhơn, Hoài Ân và Tây Sơn. Trong các năm từ 2006 - 2011, tổng diện tích rừng dự án được thực hiện là 11.362 ha. Trong đó, diện tích trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh hơn 8.789 ha; diện tích rừng quản lý cộng đồng 2.573 ha. Tổng nguồn vốn đã đầu tư là 61 tỉ đồng, trong đó vốn của Chính phủ Đức hỗ trợ 49 tỉ đồng, chiếm 80,3%; vốn đối ứng của tỉnh hơn 12,65 tỉ đồng, chiếm 19,7%.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án (BQLDA) KfW6 tỉnh, cho biết: Ngay từ khi triển khai thực hiện Dự án, đơn vị đã đưa nhiều giống cây lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao, như cây sao đen, lim xanh, keo lai, keo lá tràm, mây nếp, dầu rái, dó trầm, xoan ta, bời lời… để trồng xen ghép trong rừng phòng hộ; việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng được thực hiện khá tốt. Nhờ đó, hiện nay các huyện tham gia Dự án có được những cánh rừng đa dạng sinh học, vừa góp phần phòng hộ đầu nguồn, vừa giúp cho người dân có thu nhập ổn định từ việc khai thác tận dụng các loại gỗ tạp và các sản phẩm dưới tán rừng.

Đến nay, BQLDA đã triển khai thực hiện 4 mô hình quản lý rừng cộng đồng có tổng diện tích 2.573 ha với 5.940 hộ dân tham gia. Trong đó, huyện Hoài Nhơn thực hiện 1 mô hình tại thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức với diện tích 1.708 ha; huyện Tây Sơn thực hiện 3 mô hình tại xã Tây Thuận và Tây Phú với tổng diện tích 847 ha. Qua đánh giá của BQLDA, hầu hết các mô hình quản lý rừng cộng đồng đều mang lại hiệu quả thiết thực. UBND huyện đã giao quyền sử dụng đất cho cộng đồng thôn quản lý, mỗi mô hình thành lập tổ bảo vệ từ 8 đến 10 người. Sau khi được Nhà nước giao rừng, người dân địa phương đã phát huy quyền làm chủ của mình trong công tác tự quản lý, giám sát, bảo vệ rừng một cách có hiệu quả hơn. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được triển khai khá tốt, hầu như không xảy ra vụ cháy rừng nào tại các diện tích đã giao cho cộng đồng quản lý.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã đi kiểm tra một số diện tích rừng trồng mới và rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc Dự án KfW6 tại huyện Hoài Nhơn. Lãnh đạo tỉnh đã đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Dự án từ năm 2006 đến nay, đồng thời lưu ý BQLDA KfW6 tỉnh và huyện Hoài Nhơn cần quan tâm mở rộng mô hình quản lý bảo vệ rừng cộng đồng hơn nữa, chú trọng đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương để trồng mới trên diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh bổ sung. Chú ý cơ cấu trồng là các loại cây lâm nghiệp quen thuộc với người dân, như dầu rái, mây nếp, sa nhân, thông đỏ và phát triển nghề nuôi ong dưới tán rừng để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý: Việc triển khai Dự án KfW6 trên địa bàn tỉnh ngoài mục đích thu hút cả cộng đồng dân cư cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, vấn đề quan trọng hơn là giúp cho người dân địa phương phải được hưởng lợi sinh kế lâm nghiệp bền vững trên những diện tích rừng đã giao…

  • N. HÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nông dân  (03/06/2012)
33 hộ dân thôn Diêm Vân làm muối sạch  (03/06/2012)
Rừng ở 6 huyện có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm  (02/06/2012)
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn  (01/06/2012)
Trồng mới, khoanh nuôi tái sinh 350 ha rừng  (02/06/2012)
Phù Cát đề nghị không gia hạn khai thác đá granite, titan   (01/06/2012)
Đạt sản lượng và doanh thu cao   (01/06/2012)
Triển khai “Ngân hàng di động đa năng”  (01/06/2012)
Giá gas tiếp tục giảm mạnh  (01/06/2012)
Cựu chiến binh Vĩnh Thạnh trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo  (01/06/2012)
Biểu tượng đẹp của mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào  (31/05/2012)
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng thấp  (31/05/2012)
EVN được tự quyết tăng giá điện ở mức 5%  (31/05/2012)
Còn nhiều bất cập  (30/05/2012)
Khai tử sim “rác”?  (31/05/2012)