Hôm qua, 8.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Hầu hết các đại biểu đều hết sức lưu ý yếu tố con người và băn khoăn về nguồn lực tài chính thực hiện quá trình này.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) chia sẻ, bên cạnh các chính sách để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), quốc gia thì điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để đào tạo nhân lực có chất lượng. Đó mới là tái cơ cấu có trọng tâm lâu dài. Do vậy, đề án cần nêu rõ tầm quan trọng trong đào tạo và khoa học trong việc phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trong tái cơ cấu.
Nhiều đại biểu quan tâm trong các phát biểu về việc tái cơ cấu là cần có sự đầu tư tương xứng cho khu vực nông thôn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành tựu nông nghiệp hiện nay chưa tương xứng với lợi thế khi sức cạnh tranh thấp, đời sống người dân khu vực nông thôn bấp bênh.
Câu hỏi vốn đâu để thực hiện đề án được nhiều ĐBQH đặt ra khi mà bản thảo đề án của Chính phủ không nhắc đến. Một số đại biểu nêu vấn đề: chí ít tái cơ cấu sẽ cần tới 3 khoản - khoản ưu đãi, miễn giảm thuế, phí…, kích thích kinh tế, khoản Nhà nước bỏ ra cho xã hội hỗ trợ vào tái cơ cấu như mua bán nợ xấu ngân hàng, mua bán DN, ở đây chưa rõ Nhà nước sẽ bỏ tiền hay tự DN làm? Khoản chi phí thứ ba là an sinh xã hội, phát sinh từ việc thu hẹp một số ngành, dẫn tới mất việc, dôi dư lao động trong quá trình tái cơ cấu ngành.
Nhà nước sẽ có công ty mua bán nợ, vậy Nhà nước sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu tiền để mua lại nợ xấu của các ngân hàng? Nguồn tiền lấy từ đâu, huy động thế nào? Khi tái cơ cấu đầu tư công, sẽ kiên quyết loại bỏ các dự án không hiệu quả? Ta sẽ phải mất bao nhiêu tiền ở dự án dở dang đó, giải quyết việc làm cho người lao động ra sao?
Tái cơ cấu DNNN có trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng phần này chưa thỏa mãn các ĐBQH. Phải xác định lộ trình thoái vốn cụ thể của các tập đoàn. Từ các sai phạm trong sử dụng vốn như PVN, Vinalines, nhiều đại biểu yêu cầu phải báo cáo quá trình thoái vốn của 21 tập đoàn, tổng công ty cụ thể.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Khánh Hòa đặt liên tục các câu hỏi nóng: Vấn đề bảo toàn, sử dụng vốn trong DNNN đang như thế nào, khi tái cơ cấu thì làm sao để vốn Nhà nước hiệu quả? DNNN có còn đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hay không? Nhiều đại biểu rất phân vân, lo lắng về tình trạng làm ăn của tập đoàn nhà nước. “Cách phân 4 nhóm DN hiện vẫn còn bóng dáng bao cấp. Đọc đề án chúng tôi rất phân vân, đã là kinh tế thị trường thì yếu tố thị trường của DNNN phải bình đẳng như các DN khác. Đó là một thiếu sót nên các DNNN ỷ lại. Nếu không phát huy tốt vai trò của chủ sở hữu nhà nước tại đây thì vốn nhà nước mất dần”, ông nói.
Chính phủ cần đánh giá sâu hơn quá trình tái cơ cấu sẽ tác động đến các mặt, sẽ phải bắt đầu từ đâu, như thế nào khi mà DN đang kiệt sức, nguồn vốn hạn hẹp, đầu ra tắc, thị trường thì trầm lắng.
|