Huyện An Nhơn vừa triển khai Đề án phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), làng nghề giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động và đất đai của địa phương, nâng cao đời sống cho người dân...
|
Làm nghề khảm xà cừ tại Công ty TNHH Hồng Hà. Ảnh: Thái Phiên
|
HĐND thị xã An Nhơn khóa X, kỳ họp lần thứ 3 đã ra Nghị quyết thông qua Đề án phát triển CN-TTCN, làng nghề giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020… Trước mắt, phấn đấu trong năm 2012, giá trị sản xuất đạt 458,5 tỉ đồng, tăng 69,5% so với năm 2011, chiếm 38,7% trong cơ cấu kinh tế toàn thị xã, đạt tốc độ tăng trưởng 13,97%.
Để đạt được các chỉ tiêu phát triển CN-TTCN, thị xã An Nhơn đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các cụm CN đã có, bao gồm cụm CN Gò Đá Trắng, cụm CN Thanh Liêm, cụm CN Tân Đức, cụm CN Bình Định… với kinh phí đầu tư trên 5 tỉ đồng, trong đó ngân sách thị xã 680 triệu đồng, còn lại của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lập hồ sơ quy hoạch cụm CN An Mơ, Nhơn Tân, đồi Hỏa Sơn; thúc đẩy đầu tư cụm CN Gò Sơn; hoàn thành giải phóng mặt bằng cụm CN Thắng Công để di dời, chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch.
Việc đầu tư công nghệ, đổi mới thiết bị cũng được thị xã chú trọng, với kinh phí thực hiện gần 3 tỉ đồng (kinh phí hỗ trợ của tỉnh hơn 1,7 tỉ đồng, của thị xã 240 triệu đồng, doanh nghiệp trên 1 tỉ đồng) hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, hỗ trợ mua sắm máy sản xuất nhang cây cho làng nghề chẻ tăm nhang Bả Canh (phường Đập Đá), trang bị máy sản xuất bánh tráng cho các hộ ở làng nghề bánh tráng thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), đầu tư xử lý môi trường làng nghề làm bún khô An Thái và nón lá Gò Găng.
Để có nguồn nhân lực phát triển CN-TTCN và làng nghề hiệu quả, trong năm 2012 này thị xã An Nhơn đầu tư kinh phí 786 triệu đồng (tỉnh hỗ trợ 240 triệu đồng, thị xã 36 triệu đồng, doanh nghiệp 510 triệu đồng) mở các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương, gồm: đào tạo 200 lao động cho làng nghề tiện gỗ Nhơn Hậu, đào tạo 100 lao động nghề may công nghiệp và 6 công nhân vận hành nhà máy nước thải; tổ chức hội thảo khoa học chuyển đổi công nghệ từ sản xuất gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung…
Thị xã cũng hỗ trợ đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, như hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia hội chợ, triển lãm, nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề với kinh phí 285 triệu đồng (thị xã 40 triệu đồng, doanh nghiệp 245 triệu đồng).
Theo ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, tổng kinh phí thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó riêng năm 2012, kinh phí đầu tư hơn 9,176 tỉ đồng (tỉnh hỗ trợ trên 1,95 tỉ đồng, ngân sách thị xã 676 triệu đồng, còn lại của doanh nghiệp hơn 6,55 tỉ đồng), UBND thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư thiết bị công nghệ, sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia hội chợ, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề; chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Đề án đề ra, để đến năm 2015 thị xã An Nhơn trở thành trung tâm CN của tỉnh.
|