Chương trình kiên cố hóa kênh mương:
Tiến độ thực hiện chậm
22:17', 11/6/ 2012 (GMT+7)

Tiết kiệm nước, tăng diện tích tưới, tạo thuận lợi cho công tác khai thác và quản lý tài nguyên nước… là những lợi ích thiết thực do chương trình kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) mang lại. Tuy nhiên, chương trình KCHKM ở tỉnh ta trong thời gian qua thực hiện khá chậm…

Mới bê tông hóa 44% chiều dài kênh mương

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh ta hiện có 159 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích chứa 566,4 triệu m3 nước, trong đó, có 8 hồ chứa nước có dung tích chứa từ 5 triệu m3 trở lên. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 107 đập dâng trên sông suối, 96 trạm bơm, 1.650 km kênh mương thủy lợi, cung cấp nước tưới cho trên 100 ngàn ha lúa, hoa màu hàng năm. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh là kênh đất nên hiệu quả tưới tiêu mang lại không cao, gây thất thoát lượng nước khá lớn trong quá trình vận hành, tưới tiêu.

 

Hệ thống kênh mương tại xã Phước Lộc (Tuy Phước) vừa được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Từ năm 2006, UBND tỉnh đã có chủ trương triển khai thực hiện chương trình KCHKM với mục tiêu hoàn thành bê tông xi măng hệ thống kênh mương thủy lợi từ cấp I đến cấp III với tổng chiều dài 1.650 km. Thế nhưng, đến nay, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, các địa phương trong tỉnh mới chỉ thực hiện được 728 km, trong đó, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện được 420 km; Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) thực hiện được 308 km, bằng 44% tổng chiều dài kênh mương toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL, cho biết: Đơn vị hiện đang quản lý, vận hành gần 700 km kênh mương thủy lợi, mặc dù thời gian qua, chương trình KCHKM rất được quan tâm nhưng cũng mới chỉ bê tông được 308 km. Trong các năm từ 2009 đến nay, mỗi năm từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Bộ Tài chính, đơn vị đã trích đầu tư từ 15-18 tỉ đồng để KCHKM. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ có hạn của Trung ương nên tiến độ thực hiện khá chậm. Riêng trong năm 2012 này, đơn vị sẽ đầu tư 10 tỉ đồng để kiên cố khoảng 7 km kênh mương, ưu tiên thực hiện tại những nơi khó khăn về nguồn nước tưới, vùng thường xuyên ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, vùng cuối nguồn nước…

Theo ông Cao Văn Dũng, Phó phụ trách Phòng Quản lý xây dựng công trình thuộc Sở NN-PTNT: Tiến độ thực hiện KCHKM trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm một phần là do chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình này nên chưa quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hàng năm cho chương trình của tỉnh còn khá thấp, riêng nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp chỉ mới đáp ứng được từ 25-30% nhu cầu vốn; trong khi nguồn vốn ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố, vốn huy động từ nhân dân còn rất hạn hẹp nên không đảm bảo tiến độ KCHKM đề ra.

Để chương trình được triển khai mang lại hiệu quả cao, UBND tỉnh đã điều chỉnh chính sách hỗ trợ KCHKM trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số 680 triệu đồng/km kênh mương; các xã vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 510 triệu đồng/km; các xã miền núi được hỗ trợ 340 triệu đồng/km; vùng nguyên liệu mía được hỗ trợ 340 triệu đồng/km; vùng nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ 204 triệu đồng/km; các xã vùng đồng bằng được hỗ trợ 170 triệu đồng/km.

Tăng cường đầu tư vốn

Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ đầu tư bê tông 405 km kênh mương nằm trong vùng quy hoạch thủy lợi, vùng khan hiếm về nguồn nước, vùng đất xấu, vùng thường xuyên bị lũ lụt, dễ sạt lở hoặc bồi lấp. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình KCHKM là 345 tỉ đồng.

Ông Cao Văn Dũng cho biết: Trong năm 2012, các địa phương trong tỉnh đăng ký thực hiện chương trình KCHKM với tổng chiều dài 113 km, tổng vốn đầu tư trên 95 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 65 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn của các địa phương, vốn các chương trình, dự án… Hiện nay, Sở NN-PTNT đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH KTCTTL đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình KCHKM, nhằm đảm bảo tiến độ đề ra và vượt lũ chính vụ an toàn trước tháng 9 tới. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ưu tiên nguồn vốn đầu tư KCHKM ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã miền núi thuộc Chương trình 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, giúp công tác tưới tiêu được thuận lợi, tăng năng suất, sản lượng cây trồng…

  • N. HÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới  (11/06/2012)
Tiến độ giải ngân vốn Chương trình30a quá chậm   (11/06/2012)
Nhiều tuyến đường nội thành Quy Nhơn được cải tạo, nâng cấp   (11/06/2012)
An Nhơn đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, làng nghề  (10/06/2012)
Tháng 7.2012 khởi công nâng cấp Quốc lộ 19  (10/06/2012)
Giá dừa giảm mạnh  (10/06/2012)
Đầu tư 1 triệu USD bảo trì các tuyến đường huyện  (10/06/2012)
Nghiệm thu thiết bị, máy móc, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp  (09/06/2012)
Một tuần “ba tăng, hai giảm”  (08/06/2012)
Chuyện ghi ở làng bún Ngãi Chánh  (08/06/2012)
Công đoàn chăm lo, người lao động bớt khó khăn  (08/06/2012)
Nhiều tuyến đường ở Bồng Sơn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng   (08/06/2012)
Mô hình tổ tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát huy tác dụng  (08/06/2012)
Cảnh giác với việc người nước ngoài mua gom hàng hóa   (08/06/2012)
Chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu  (08/06/2012)