Sáng 13.6, mở đầu phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản.
Trước nhiều chất vấn của các đại biểu xoay quanh việc quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhất là từ khi chúng ta thực hiện cơ chế thị trường, định hướng XHCN và kể từ khi có luật đất đai năm 2003, việc giải quyết các vấn đề đất đai càng trở nên phức tạp hơn.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, đất đai là lĩnh vực chiếm đến 70% số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân gây khiếu kiện nhiều và kéo dài là do việc thực hiện tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng trong thu hồi đất và việc tiến hành thu hồi cũng chưa được thực hiện kiên quyết; việc giải quyết mối quan hệ về lợi ích giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư; giá đất tính bồi thường thấp; chưa chú trọng những quy định bắt buộc về xây khu tái định cư trước khi thu hồi và dạy nghề, tạo việc làm cho người bị thu hồi đất, năng lực của cán bộ làm công tác này có hạn chế nhất định…
Tuy nhiên kể từ khi có Nghị định 69 của Chính phủ, công tác bồi thường GPMB đã có cải thiện đáng kể. Theo Bộ trưởng, ưu điểm lớn nhất là Nghị quyết đã giải quyết được tương đối cơ bản những vấn đề mà người dân đặt ra hiện nay: giá đất, bồi thường, hỗ trợ. Qua đó, quyền của người có đất bị thu hồi đã được cải thiện nhiều, người dân đã đồng tình hơn.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ giải quyết những đơn đã tồn tại tương đối lâu. Hiện còn 500 đơn tồn từ lâu sẽ tập trung giải quyết dứt điểm trong năm nay.
Một nội dung “nóng” khác được nhiều đại biểu quan tâm là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bộ trưởng hứa sẽ cố gắng hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận trong năm 2013.
Về thời hạn sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu theo hướng mở rộng thời hạn sử dụng đất để người dân yên tâm sử dụng đất hiệu quả hơn, hướng là từ 30-50 năm, với đất nông nghiệp là khoảng 50 năm. Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp liên quan đến tích tụ ruộng theo hướng sản xuất lớn cũng sẽ được nâng cao lên, có thể gấp 5-10 lần mức hiện nay, tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh bằng thuế để việc tích tụ đất chủ yếu là phục vụ cho việc sử dụng chứ không phải để đầu cơ.
Là thành viên thứ 2 của Chính phủ đăng đàn trong phiên chất vấn chiều ngày 13.6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh nhận được nhiều chất vấn xung quanh việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty cũng như quản lý các dự án sử dụng vốn ODA…
Trả lời thắc mắc của các đại biểu xung quanh những sai phạm gần đây tại các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Vinh cho rằng về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan khác của Chính phủ đều có trách nhiệm trong những vụ việc này. Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ trưởng, do các văn bản pháp luật hiện hành chưa có chế tài riêng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, nên việc giám sát gặp rất nhiều khó khăn.
Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, để giải phóng sức sản xuất, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã không phân biệt loại hình này, doanh nghiệp Nhà nước được trao quyền tự chủ lớn hơn, được tự chủ trong các dư án đầu tư, không phải báo cáo.
|