Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu:
Hướng đến sản phẩm tinh chế
21:0', 13/6/ 2012 (GMT+7)

Thời gian qua, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh không thuận lợi, hiệu quả kinh doanh không cao. Để cải thiện tình hình, các DN đã mở hướng sang chế biến các sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao hơn.

Khó khăn tứ bề

Những khó khăn, tồn tại cố hữu của các DN CBTSXK ở tỉnh ta trong thời gian qua là tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, sản phẩm còn ở dạng thô, thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng… Thống kê của ngành Công Thương tỉnh cho thấy, trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu trong năm 2011, các sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 20-25%, số còn lại là xuất thô nguyên liệu sạch cho các nhà máy chế biến thủy sản ở các nước nhập khẩu.

 

Công nhân Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương cấp đông xuất khẩu.

Trong khi đó, việc thu mua nguyên liệu chế biến của các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh đang ngày càng khó khăn. Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Chuyện thiếu nguyên liệu của các DN CBTSXK ở tỉnh ta không mới. Tuy nhiên, do không giải quyết rốt ráo, nên tình trạng này ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, các nhà máy CBTSXK trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động chừng trên 60% công suất do không đủ nguyên liệu. Hiện có nhiều DN “đứng ngồi không yên” vì đến thời hạn giao hàng nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất.

Để đối phó với việc thiếu nguyên liệu, một số DN phải thu mua nguyên liệu ngoài tỉnh hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, một trong những DN nhập khẩu nguyên liệu thủy sản nhiều nhất tỉnh, cho biết: Nguyên liệu nhập khẩu luôn có mức giá cao hơn từ 5-10% so với giá trong nước, nhưng giúp DN chủ động sản xuất, ổn định thị trường và giữ được khách hàng. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp ổn định lâu dài, vì đến một thời điểm nào đó thì các nước xuất khẩu nguyên liệu cũng sẽ dừng xuất khẩu nguyên liệu thô. Hơn nữa, việc nhập khẩu nguyên liệu đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính mạnh để thu mua nguyên liệu dự trữ và đầu tư kho lạnh bảo quản. Mặt khác, DN phải có khách hàng và thị trường tiêu thụ ổn định, phải tính toán hợp lý trong sản xuất kinh doanh thì mới có hiệu quả cao.

Ngoài ra, từ đầu năm 2011 đến nay, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh còn gặp phải những khó khăn, thách thức mới. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí đầu vào tăng đột biến, trong khi giá đầu ra không tăng,  ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hướng đến sản phẩm tinh chế

Khoảng 2 năm trở lại đây, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, dự án đổi mới trang thiết bị công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã và mặt hàng, trong đó tập trung chế biến những sản phẩm tinh chế có giá trị gia tăng cao nhằm giảm lượng nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận.

Một trong những DN dẫn đầu về sản xuất các mặt hàng tinh chế là Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn. Từ năm 2010 đến nay, Công ty đã tập trung sản xuất các mặt hàng tinh chế, ăn liền cao cấp như: tôm sú hấp, tôm thẻ hấp, tôm sú luộc đông lạnh, tôm thẻ luộc đông lạnh… xuất khẩu. Hiện Công ty có khoảng 30 mặt hàng tinh chế, dạng hàng siêu thị ăn liền được sản xuất từ dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, chủ yếu cung cấp cho các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc và các nước châu Á. Ông Mai Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, cho biết: Hiện nay, DN đã ký hợp đồng với một số khách hàng mới, sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, cung cấp thẳng đến các siêu thị để tăng tính cạnh tranh. Nhờ đó, trong năm 2011 vừa qua, Công ty vẫn thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 triệu USD, tăng 20% so với năm 2010. 5 tháng đầu năm 2012, Công ty thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2011. Trong định hướng phát triển, chúng tôi sẽ nâng dần tỉ lệ các mặt hàng tinh chế xuất khẩu.

Theo tính toán của các DN CBTSXK, để tạo ra một giá trị kim ngạch xuất khẩu như nhau, so với chế biến các sản phẩm thô, việc chế biến các sản phẩm tinh chế có thể tiết kiệm được khoảng 40% lượng nguyên liệu, giá bán cao hơn từ 40-50%, nên lợi nhuận thu về cao hơn. Bên cạnh đó, việc sản xuất hàng tinh chế còn hạn chế được lượng chất thải nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Gần đây, nhiều DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh cũng đã hướng dần sang chế biến những mặt hàng tinh chế, có giá trị gia tăng cao để nâng giá trị xuất khẩu và tiết kiệm nguyên liệu. Ông Nguyễn Kim Phương cho biết: Trước đây, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của tỉnh phần lớn ở dạng thô, thì nay đã có nhiều sản phẩm tinh bán trực tiếp đến người tiêu dùng ở nước ngoài, như tôm sú nguyên con hấp, tôm luộc đông lạnh, tôm duỗi, cá ngừ đại dương chế biến cấp đông, xông khói dạng phi-lê... Hiện nay, các mặt hàng tinh chế, có giá trị gia tăng cao đã chiếm trên 40% trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Phần sản phẩm này đều được chế biến kỹ, đóng gói đẹp ở dạng bao bì nhỏ, tiện sử dụng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Trong thời gian đến, tỉ lệ hàng tinh chế sẽ tăng cao hơn nữa khi đang có nhiều DN đầu tư máy móc, công nghệ mới để chế biến các sản phẩm loại này.

Để sản xuất kinh doanh ổn định, theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất mặt hàng tinh chế, các DN CBTSXK cần chủ động gắn kết giữa chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết theo hợp đồng giữa nhà máy với người khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để xây dựng được mạng lưới cung ứng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy CBTSXK là vấn đề không đơn giản. Thực tế lâu nay đã có một số DN lớn trực tiếp đứng ra thu mua và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với ngư dân, nhưng việc làm này không tồn tại vì nảy sinh những vấn đề bất cập. Do vậy, để thực hiện được việc này, bên cạnh sự nỗ lực của DN, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc gắn kết các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như lâu nay.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năm 2013: Hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất   (13/06/2012)
Phù Cát tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng  (13/06/2012)
Nâng cấp Nhà máy sản xuất phân compost Long Mỹ  (13/06/2012)
Thu hút 55.000 lượt người tham quan, mua sắm  (12/06/2012)
Các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả  (12/06/2012)
Hỗ trợ 1 tỉ đồng xây dựng CSHT làng nghề nông thôn  (12/06/2012)
Phù Cát: Cá chua rớt giá mạnh  (12/06/2012)
Điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa người gửi, người vay  (12/06/2012)
Góp phần vực dậy cây điều  (12/06/2012)
Chứng khoán quay đầu giảm nhẹ phiên đầu tuần  (11/06/2012)
Nhộn nhịp, đa dạng  (11/06/2012)
Tiến độ thực hiện chậm  (11/06/2012)
Tổ chức tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới  (11/06/2012)
Tiến độ giải ngân vốn Chương trình30a quá chậm   (11/06/2012)
Nhiều tuyến đường nội thành Quy Nhơn được cải tạo, nâng cấp   (11/06/2012)