Thực tế cho thấy, những công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp (DN), nhất là DN ngoài quốc doanh, hoạt động sôi nổi là nhờ vào sự năng động của cán bộ công đoàn và sự ủng hộ của chủ DN.
Theo ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, cường độ lao động tại các DN khá cao, trong khi thu nhập còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống, nên người lao động chưa mặn mà với hoạt động công đoàn. Mặt khác, nghiệp vụ công đoàn của cán bộ CĐCS hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Họ ít có thời gian đầu tư cho công tác công đoàn vì thường phải thay đổi vị trí công tác, địa điểm làm việc. Đặc biệt, một số cán bộ CĐCS chưa qua đào tạo nghiệp vụ nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế, trong khi số lượng CĐCS và đoàn viên ngày càng tăng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, cần tăng cường đổi mới hình thức và nội dung tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS. Việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ nên tập trung theo ngành hoặc địa bàn và tổ chức tại DN để cán bộ CĐCS có điều kiện tham gia. Nội dung tập huấn phải phù hợp với từng loại hình CĐCS, theo từng chuyên đề ngắn gọn.
|
Công nhân Công ty CP May An Nhơn hưởng ứng tích cực phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: nguyễn phúc |
Ông Chín cho rằng, hiện nay vẫn còn một số chủ DN không mặn mà với tổ chức công đoàn và xem công đoàn là tổ chức đối kháng với chủ DN. Do vậy, yêu cầu đặt ra với những cán bộ công đoàn ở những DN này là phải năng động, nhiệt tình hơn để tổ chức nhiều phong trào không những mang lại quyền lợi chính đáng cho người lao động mà còn mang lại lợi ích cho chủ DN. Có như vậy, chủ DN mới thay đổi nhận thức, xem công đoàn là một tổ chức không thể thiếu của DN.
Hiện các DN trong Khu kinh tế tỉnh đã thành lập được 71 CĐCS, nhưng chỉ có khoảng 20 CĐCS hoạt động tốt nhờ vào sự năng động, nhiệt tình của cán bộ công đoàn cũng như tranh thủ được sự ủng hộ của chủ DN. Tiêu biểu là các CĐCS: Công ty TNHH Bình Phú, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Quốc Thắng, Công ty TNHH Phú Hiệp, Công ty CP Bia Sài Gòn-Miền Trung…
Đội ngũ cán bộ công đoàn phải được đào tạo chính quy và cần được làm việc độc lập
(Bà NGUYỄN THỊ VINH, Trưởng Ban Tổ chức, LĐLĐ tỉnh) |
Những năm qua, CĐCS Công ty cổ phần May Bình Định được đánh giá là hoạt động khá tốt. Theo bà Trần Thị Thu Loan, Chủ tịch CĐCS của Công ty, có được kết quả đó là nhờ vào sự năng động, nhiệt tình, hết lòng vì công việc của các cán bộ công đoàn. Công đoàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động mang lại quyền lợi cho người lao động, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS thì việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN rất quan trọng. Bà Mai Thị Bảy, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty CP May An Nhơn, cho rằng, cán bộ công đoàn phải là sợi dây kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong DN. Cán bộ công đoàn cần phải thực hiện tốt chức năng tư vấn cho DN để đưa ra những chính sách tốt cho người lao động. Bên cạnh đó, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các DN giảm sút, thì cán bộ công đoàn càng phải tăng cường công tác tuyên truyền, động viên người lao động chia sẻ khó khăn, đồng hành với DN để tránh bất hòa trong quan hệ lao động.
Ở góc độ công tác tổ chức, bà Nguyễn Thị Vinh, Trưởng Ban Tổ chức, LĐLĐ tỉnh, nhận định: “Thực ra, cán bộ công đoàn vẫn là người của DN nên chưa phát huy được tối đa vai trò của mình. Nhiều cán bộ công đoàn chưa dám thẳng thắn đấu tranh để đòi quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người lao động. Vì vậy, đội ngũ cán bộ công đoàn phải được đào tạo chính quy và cần được làm việc độc lập”.
Để nâng cao chất lượng CĐCS tại các DN, bà Vinh cho biết, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn ở các DN, nhất là DN ngoài quốc doanh.
|