Doanh nghiệp với nỗi lo hàng tồn kho
0:12', 16/6/ 2012 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Định đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD) do hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm, lượng sản phẩm tồn kho ngày càng tăng. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến sản xuất của các DN bị đình trệ, không ít DN chỉ hoạt động chừng 50% công suất so với năm trước.

Trong tình hình chung như các DN trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây tác động xấu đến hoạt động SXKD của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà các DN đang phải đối mặt là lượng hàng tồn kho ngày càng lớn.

 

Công nhân Công ty cổ phần Gạch tuy nen Bình Định đưa sản phẩm đến bán tại chân các công trình xây dựng.

Hàng tồn kho, sản xuất giảm

Ở thời điểm này mọi năm, thị trường gạch xây dựng rất sôi động, nhưng năm nay khá ế ẩm. Trước tình hình này, để cạnh tranh, nhiều DN sản xuất gạch xây dựng đã giảm giá để tăng sức mua, nhằm tiêu thụ được hàng hóa để thu hồi vốn. Một số DN tung thêm nhiều nhân viên tiếp thị, tự tìm đến các công trình xây dựng từ lớn đến nhỏ, kể cả công trình dân dụng, để mời chào khách hàng và bán hàng đến chân công trình, nhưng hiệu quả kích cầu cũng không đáng kể.

Ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Gạch tuy nen Bình Định, cho biết: Từ đầu năm 2012 đến nay, lượng hàng tồn kho của đơn vị ngày càng tăng. Điều này trái ngược hẳn với những năm trước, khi sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Hiện nay, Công ty còn tồn gần 5 triệu viên gạch các loại. Tháng 6 này tuy sức tiêu thụ có khá hơn nhưng mức tăng cũng không đáng kể. Do vậy, Công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, chỉ hoạt động chừng 60% công suất hiện có.

Các DN chế biến đá ốp lát hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn do hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được. Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: “Hiện nay, hầu hết kho chứa của các DN chế biến đá ốp lát trên địa bàn tỉnh đều đầy ắp sản phẩm do không tiêu thụ được. So với mọi năm, từ đầu năm đến nay, sức tiêu thụ sản phẩm đá ốp lát chỉ bằng 50%. Đứng trước khó khăn này, nhiều DN phải lựa chọn giải pháp an toàn, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất đại trà như trước đây”…

Ngoài lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều lĩnh vực khác cũng lâm vào cảnh hàng tồn kho nhiều do sức mua kém. Không chỉ các DN sản xuất gặp khó mà DN phân phối cũng luôn lo lắng với tình trạng hàng tồn kho bởi sức mua hiện nay giảm nhiều so với trước. Cho dù liên tục có những chương trình khuyến mại, giảm giá, thậm chí có nhiều mặt hàng mức giảm giá tới 20 - 40% để kích thích sức mua, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ngay cả mặt hàng ti vi, vốn là sản phẩm luôn bán chạy mỗi khi đến mùa bóng đá, nhưng nay cũng “ngậm ngùi” trong cảnh ế ẩm.

Chờ tín hiệu thị trường

Nhận xét về thực trạng kể trên, ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: Lâu nay, rất nhiều DN trên địa bàn tỉnh chỉ xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm của mình thông qua các đại lý lớn nên dễ bị phụ thuộc, không có thông tin phản hồi trực tiếp từ người tiêu dùng. Khi tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn, DN muốn xây dựng lại chính sách bán hàng cho phù hợp cũng như tạo sức cạnh tranh thì không nắm bắt được xu hướng thị trường để có quyết sách đúng đắn. Do vậy, bên cạnh việc nỗ lực giải quyết lượng hàng tồn kho, các DN cần phải xây dựng ngay chính sách bán hàng hợp lý hơn và phải nắm bắt được những biến động nhu cầu của thị trường dù là nhỏ nhất để có kế hoạch SXKD phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn vì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm. Trong đó, có những lĩnh vực, những ngành hàng, như sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì, thức ăn chăn nuôi… lượng hàng tồn kho lớn, hoạt động sản xuất giảm đến 30-40% so với các năm trước. Do nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh nhà. Cụ thể, trong tháng 5.2012, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ đạt 680 tỉ đồng, giảm 8,8% so với tháng 4.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều tín hiệu trong giai đoạn hiện nay cho thấy suy thoái kinh tế ở Việt Nam nói chung và trong tỉnh nói riêng đã chạm đáy và đang có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, tốc độ đi lên nhanh hay chậm là tùy thuộc vào sự nỗ lực của DN cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, để duy trì được SXKD hiệu quả, DN cần có giải pháp ổn định bằng cách “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm triệt để mọi khoản chi phí không cần thiết và hạn chế những khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; đồng thời, tích cực tìm hiểu, nắm bắt các cơ hội để khi thị trường có tín hiệu tích cực là đầu tư mở rộng SXKD.

Ông Phạm Xuân Thủy cho biết: Trong thời gian qua, Hiệp hội Đá Bình Định đã khuyến cáo các DN hội viên cần đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng hiệu quả sản xuất. Hiện nay, có nhiều DN hội viên đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho việc đổi mới máy móc, thiết bị, để chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường các biện pháp bán hàng trực tiếp và thông qua các đại lý, một số DN đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều đáng mừng là chất lượng sản phẩm đá ốp lát của Bình Định đã được khách hàng nước ngoài tín nhiệm nên có nhiều cơ hội để tiêu thụ. Mặt khác, các DN chế biến đá trên địa bàn tỉnh cũng đã nghiên cứu thay đổi mẫu mã sản phẩm, tạo ấn tượng cho khách hàng về hình ảnh DN và sản phẩm.

Không riêng gì các DN chế biến đá ốp lát, các DN khác cũng đang cố gắng duy trì hoạt động SXKD để cầm cự qua giai đoạn khó khăn, chờ tín hiệu tích cực từ thị trường.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần sự năng động của cán bộ công đoàn   (15/06/2012)
Sản lượng tôm nuôi vụ giảm 4,2%  (15/06/2012)
Xây dựng thêm một nhà máy luyện xỉ titan  (15/06/2012)
Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề tại chỗ  (15/06/2012)
Đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh  (15/06/2012)
Đưa hàng Việt lên huyện miền núi Vân Canh  (15/06/2012)
An Lão: Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội  (14/06/2012)
14/17 dự án đã hoàn thành cơ bản  (14/06/2012)
105 gia đình ở Phù Mỹ hưởng lợi từ Dự án Ngân hàng bò  (14/06/2012)
An Lão phân bổ 7,6 tỉ đồng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a  (14/06/2012)
Hướng đến sản phẩm tinh chế  (13/06/2012)
Năm 2013: Hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất   (13/06/2012)
Phù Cát tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng  (13/06/2012)
Nâng cấp Nhà máy sản xuất phân compost Long Mỹ  (13/06/2012)
Thu hút 55.000 lượt người tham quan, mua sắm  (12/06/2012)