Thời gian qua, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được củng cố, phát triển nên hoạt động ngày càng đạt hiệu quả cao. Điều đáng ghi nhận, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã thật sự “đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo”…
Thiết thực, hiệu quả
Ông Phan Phú Hải, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết: Ngày 10.10.2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW về việc “Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND”. Ngay sau đó, lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh đã báo cáo và tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh kế hoạch triển khai phương án củng cố, chấn chỉnh hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 27 QTDND cơ sở và 1 QTDND Trung ương, hoạt động trên phạm vi 72 xã, phường, trị trấn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của hệ thống cũng phát triển mạnh mẽ cả chất lẫn lượng. Hiện toàn hệ thống có 210 người, trong đó có 63 người trình độ đại học, cao đẳng, phần còn lại đều đã qua khóa đào tạo nghiệp vụ tín dụng do NHNN Việt Nam tổ chức.
|
Cán bộ QTDND Phú Cường (Hoài Ân) giải ngân vốn cho thành viên. Ảnh: NGỌC THÁI |
Bà Đặng Thị Nha, Giám đốc QTDND Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) nhớ lại những ngày tháng khó khăn lúc mới thành lập vào năm 1996. Khi đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Quỹ vừa thiếu, vừa hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Từ khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, nhờ có sự “cầm tay chỉ việc” của cán bộ Chi nhánh NHNN tỉnh, hoạt động của Quỹ từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát triển. Đến nay, tổng nguồn vốn của QTDND Nhơn Lộc đạt gần 47 tỉ đồng, tăng gấp 128 lần so với giai đoạn mới thành lập và là Quỹ có số thành viên cao nhất tỉnh (3.393 thành viên). Với kết quả này, từ năm 2008 đến nay, năm nào QTDND Nhơn Lộc cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen và được Liên minh các HTX Việt Nam tặng Cúp vàng về thành tích 10 năm hoạt động (2000-2010).
Không riêng gì QTDND Nhơn Lộc, gần 12 năm qua, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh là thêm kênh vay vốn hiệu quả, phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân ở khu vực nông thôn. Hiện tổng nguồn vốn của các QTDND trên địa bàn đạt gần 596 tỉ đồng, tăng gần 562% so với năm 2000 (tốc độ tăng bình quân gần 47%/năm). Trong đó, nguồn vốn huy động đạt trên 512 tỉ đồng, tăng gần 921% (tốc độ tăng bình quân gần 77%); vốn điều lệ đạt trên 18 tỉ đồng, tăng gần 327% (tốc độ tăng bình quân trên 27%/năm); tổng dư nợ cho vay đạt gần 444 tỉ đồng, tăng trên 436% (tốc độ tăng bình quân trên 36%/năm); tổng số thành viên 61.351 thành viên, tăng gần 84% (bình quân 1 Quỹ là 2.272 thành viên). Chỉ tính riêng đối với khu vực nông nghiệp, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã cho vay trên 197 tỉ đồng, chiếm gần 45% tổng dư nợ cho vay. Phần lớn nguồn vốn vay này bà con nông dân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt…
Tiếp tục củng cố phát triển
So với khi mới ra đời, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã phát triển vượt bậc, nhưng so với yêu cầu đặt ra thì vẫn ở “vị thế khiêm tốn”. Một số QTDND cơ sở quy mô hoạt động còn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ cán bộ, nhân viên còn yếu, khả năng cạnh tranh so với các tổ chức tín dụng khác còn thấp… Bên cạnh đó, nội dung hoạt động của một số Quỹ còn đơn điệu, điều kiện để duy trì tốc độ phát triển cũng như khả năng cạnh tranh so với các tổ chức tín dụng khác còn hạn chế… Đáng lo ngại là chất lượng tín dụng của một số Quỹ chưa cao, khả năng tự đảm bảo an toàn trong hoạt động còn yếu; chưa làm tốt công tác thẩm định khi cho vay và kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay… Thậm chí, một số Quỹ còn để xảy ra tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiêu cực, gây thất thoát tiền của Nhà nước…
Để duy trì, phát triển hệ thống QTDND trên địa bàn, Chi nhánh NHNN tỉnh đã đề ra định hướng phát triển đến năm 2020 là tiếp tục “đồng hành cùng tam nông”, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo”. Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình QTDND 2 cấp hiện nay, gắn liền với tăng cường các thiết chế an toàn, tạo điều kiện cho QTDND phát triển; đẩy mạnh chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả các QTDND hiện có; đảm bảo QTDND tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi…
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đề ra một số giải pháp cụ thể, như Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với hệ thống QTDND trên địa bàn; khẩn trương thúc đẩy việc thành lập Quỹ An toàn hệ thống QTDND tỉnh; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND để kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại, giúp các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả…
Đối với các QTDND đang hoạt động tốt, yêu cầu mà Chi nhánh NHNN tỉnh đặt ra là: Tiếp tục phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời chú trọng đến chất lượng tín dụng, năng lực quản trị, điều hành, an toàn thanh khoản và tuân thủ đúng pháp luật. Đồng thời, các QTDND phải từng bước nâng cao năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho vay thành viên. Bên cạnh đó, các QTDND phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, nhất là hệ thống kiểm soát nội bộ, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, kế toán…
Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề nhằm tạo điều kiện để hệ thống QTDND hoạt động ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, như cần có cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là chính sách lãi suất nhằm khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng nhỏ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn mà không nên áp dụng chung một khung cơ chế, chính sách như đối với các tổ chức tín dụng phục vụ đô thị; đồng thời đề nghị giảm thuế thu nhập đối với các QTDND cơ sở ở mức 10% (thay vì 20% như Luật Thuế DN năm 2008)…
|