|
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với người dân làng K3 xã Vĩnh Sơn tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: N. HÂN |
Rừng phòng hộ làng K3 thuộc xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn cho các hồ thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B và hồ chứa nước Định Bình. Trong thời gian qua, đồng bào Bana làng K3 đã đoàn kết giữ rừng, nên những cánh rừng phòng hộ nơi đây đã ngày càng thêm xanh…
Làng K3 có 106 hộ với 393 nhân khẩu; trong đó, hộ đồng bào Bana là 68 hộ, với 275 nhân khẩu. Trong thời gian qua, để công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại địa phương ngày càng tốt hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành giao khoán QLBVR cho bà con Bana trong làng, với diện tích 320ha, mức hỗ trợ là 200 ngàn đồng/ha, mỗi hộ gia đình được nhận khoán từ 10-15ha rừng để quản lý bảo vệ. Ngoài việc nhận hỗ trợ tiền QLBVR, bà con còn có các quyền lợi khác như: khai thác các sản phẩm phụ, trồng thêm các loài cây trồng có giá trị kinh tế dưới tán rừng…
Đến làng K3 vào thời điểm này, chứng kiến màu xanh ngút ngàn của diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ở đây mới thấy được hiệu quả của việc giao khoán QLBVR tại địa phương. Theo người dân trong làng, màu xanh của rừng đã gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của họ, nên ai cũng có ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng. Ông Đinh Ply, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, nhận xét: “Nhờ việc giao khoán QLBVR mà người dân làng K3 ai cũng hiểu việc giữ rừng không chỉ có ý nghĩa như giữ gìn bản sắc văn hóa của người Bana, mà còn góp phần giữ nước cho các hồ thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn, chống lũ quét, xói mòn đất, đảm bảo điều hòa nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ nghiêm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, bà con còn xây dựng hương ước giữ rừng riêng tại địa phương, như tuyệt đối không được đốt phá rừng làm rẫy, thành lập các tổ phòng cháy chữa cháy rừng để kịp thời dập tắt các đám cháy rừng xảy ra…”.
Bók Sin, già làng K3, cho biết: Nhờ chính sách giao khoán QLBVR cho người dân nên diện tích rừng ở đây được quản lý, bảo vệ khá tốt, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy đã giảm đáng kể. Hiện nay, tại địa phương các hộ gia đình đã đoàn kết, thành lập các nhóm gia đình từ 5-7 hộ luân phiên tổ chức tuần tra, canh gác để giữ rừng. Không những đoàn kết bảo vệ rừng được giao, đồng bào Bana trong làng cũng đã biết cải tạo đất sản xuất trên những nương rẫy cũ để đưa vào trồng các loại cây lương thực ngắn ngày hoặc trồng các loại cây lâm nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập. Nhờ đó, hàng năm ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ cho công tác QLBVR, người dân đã có thêm thu nhập từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nên số hộ trong diện đói nghèo tại địa phương giảm đáng kể.
Nhằm thắt chặt mối đoàn kết giữa lực lượng kiểm lâm với người dân địa phương trong việc QLBVR, mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm lễ kết nghĩa với đồng bào làng K3. Ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tỉnh và bà con làng K3 sẽ tiếp tục phối hợp, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QLBVR; ngăn chặn đẩy lùi tình trạng chặt cây lấy gỗ, đốt phá rừng làm nương rẫy.
Thông qua các hoạt động lồng ghép, lực lượng kiểm lâm và đồng bào Bana ở làng K3 xây dựng mối quan hệ đoàn kết tốt đẹp, tạo điều kiện cho bà con sống ở vùng cao phát triển mô hình quản lý rừng cộng đồng, phát triển lâm sinh bền vững, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế từ việc nhận khoán khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Đây là điều kiện tiên quyết trong việc giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng đầu nguồn ở xã vùng cao Vĩnh Sơn.
|