Năm 2012, với sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân trên địa bàn tỉnh đã cùng xây dựng và thực hiện liên minh sản xuất (LMSX) và tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, trong đó có LMSX và tiêu thụ xoài cát, lúa gạo chất lượng cao…
Tiềm năng sản xuất và thị trường
Theo số liệu thống kê, tỉnh ta có 1.735 ha xoài, trong đó có 1.410 ha cho quả (riêng Phù Cát có 250 ha xoài cát đang cho quả), sản lượng đạt 5.178 tấn/năm. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật đầu tư chăm sóc của bà con nông dân, xoài cát ở Phù Cát thường ra hoa, tạo quả muộn, thời vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Vào thời điểm này, các tỉnh có diện tích xoài nhiều như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Khánh Hòa… không còn nhiều xoài để bán, vì đã thu hoạch và tiêu thụ sớm hơn từ 1 đến 2 tháng. Đây là điều kiện thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm xoài cát Phù Cát. Hơn nữa, xoài cát Phù Cát có chất lượng thơm ngon, hương vị đậm đà; mỗi quả nặng từ 0,25-0,6 kg, giá cả phù hợp, nên đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, khu đô thị mới, nhà hàng… cũng hút loại quả này nên điều kiện để người sản xuất tiêu thụ hàng hóa rất thuận lợi.
|
Liên minh sản xuất xoài cát Phù Cát được thực hiện là điều kiện tốt để người trồng xoài ở Phù Cát phát triển loại cây trồng này.
- Trong ảnh: Nông dân xã Cát Hanh chăm sóc xoài. |
Thị trường đầu ra lúa gạo chất lượng cao cũng giàu tiềm năng. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện các loại gạo có chất lượng cao mới chỉ chiếm khoảng 15% thị phần trong cả nước. Sản phẩm gạo chất lượng cao sản xuất tại tỉnh ta có nhiều lợi thế về đầu ra hơn các tỉnh khác, nhờ vị trí địa lý là cửa ngõ của khu vực Tây Nguyên, nơi vốn hạn chế về sản xuất lúa gạo. Để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Bình Định, một số DN kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng một số hệ thống đại lý bán hàng tại nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã và đang quan tâm đến gạo chất lượng cao sản xuất ở Bình Định.
Doanh nghiệp và nông dân hợp tác
Sau khi khảo sát về thực trạng sản xuất, nhu cầu tiêu dùng và khả năng phát triển thị trường, nhiều DN đã “bắt tay” hợp tác với bà con nông dân thành lập LMSX và tiêu thụ xoài cát và lúa gạo chất lượng cao. Tại huyện Phù Cát có 2 LMSX được thành lập, đó là LMSX và tiêu thụ xoài cát Phù Cát bền vững (giữa Công ty TNHH Nông lâm sản Nam Việt và HTXNN 2 Cát Hanh); LMSX lúa gạo chất lượng cao bền vững (giữa Công ty TNHH Nông nghiệp Vạn Phước và HTXNN Cát Hanh 1).
LMSX và tiêu thụ xoài cát Phù Cát bền vững có tổng vốn đầu tư trên 7,5 tỉ đồng; trong đó, vốn của DN hơn 808 triệu đồng, tổ chức xã viên nông dân đóng góp trên 4,3 tỉ đồng và Dự án CTNN tỉnh hỗ trợ trên 2,3 tỉ đồng. DN có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật sản xuất xoài theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam và thu mua toàn bộ nông sản cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm. Tổ hợp tác gồm 50 hộ xã viên, với diện tích đất sản xuất 105,3 ha, mỗi năm sản xuất 1 vụ, năng suất xoài khi thực hiện LMSX đạt 6,9 tấn/ha.
"Khi thực hiện liên minh sản xuất, thu nhập của doanh nghiệp và nông dân thực hiện liên minh sản xuất sẽ tăng cao hơn…" |
LMSX lúa gạo chất lượng cao bền vững có tổng vốn đầu tư trên 9,2 tỉ đồng; trong đó, vốn tự có của DN hơn 2,6 tỉ đồng, tổ chức xã viên nông dân đóng góp trên 4,2 tỉ đồng và Dự án CTNN hỗ trợ trên 2,4 tỉ đồng. DN chịu trách nhiệm về chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam và thu mua toàn bộ nông sản cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm là 25%. Tổ hợp tác gồm 197 hộ xã viên, với diện tích đất sản xuất 154 ha, năng suất lúa chất lượng cao đạt 52 tạ/ha/vụ.
Theo bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án CTNN tỉnh, việc thành lập các LMSX sẽ mang nhiều lợi ích cho cả DN và nông dân. Về phía nông dân, mô hình liên kết tạo môi trường thuận lợi để bà con áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về quy trình thâm canh và chăm sóc, kiểm soát được lượng tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm và môi trường; đồng thời, tăng độ phủ xanh cho mặt đất, hạn chế tác động của môi trường, tăng hiệu quả đầu tư. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ theo hợp đồng với giá cả hợp lý; không bị ép cấp, ép giá, tạo điều kiện phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn. DN tham gia LMSX có điều kiện cải tiến công nghệ và đổi mới phương thức kinh doanh; chủ động được nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là điều kiện tốt để DN duy trì và phát triển thêm thị trường mới, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho chiến lược đầu tư và kinh doanh lâu dài. Ngoài ra, khi thực hiện LMSX, thu nhập của DN và nông dân thực hiện LMSX cũng sẽ tăng cao hơn…
|