Dự án sinh kế nông thôn bền vững:
Nâng cao thu nhập cho nông dân
22:47', 21/6/ 2012 (GMT+7)

Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững - kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” do Cơ quan Phát triển quốc tế New Zealand tài trợ, đang được triển khai ở tỉnh ta, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập từ cây trồng, vật nuôi, tạo đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa…

 

Nông dân thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) sơ chế, đóng gói rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững - kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” được Cơ quan Phát triển quốc tế New Zealand (NZAID) và UBND tỉnh ký kết vào ngày 31.7.2009. Dự án có 4 hợp phần được thực hiện tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh.

Hợp phần 1 là xây dựng mô hình rau an toàn được cấp giấy chứng nhận tại huyện Tây Sơn và Tuy Phước, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho hộ nông dân nghèo, bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng; bảo vệ môi trường sinh thái. Hợp phần 2, phát triển các cơ hội theo định hướng thị trường cho những hộ nghèo trồng dừa ở Phù Mỹ và Hoài Nhơn, nhằm tăng thu nhập từ các sản phẩm của cây dừa. Hợp phần 3, xây dựng và thể hiện khả năng tăng lợi nhuận của các hệ thống chăn nuôi gia súc lớn và nhỏ, liên kết các hộ chăn nuôi với thị trường một cách hiệu quả tại các huyện An Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, với 2 đối tượng chính là bò thịt và thỏ. Hợp phần 4, cung cấp các dịch vụ quản lý dự án và giám sát, đánh giá hiệu quả, hỗ trợ lồng ghép các hoạt động của dự án.

Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án, các hoạt động của dự án cơ bản được thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với hợp phần rau an toàn được chứng nhận, tỉnh ta đã kiểm nghiệm đất và nguồn nước tại 2 vùng chuyên sản xuất rau ở huyện Tây Sơn và Tuy Phước với tổng diện tích 50 ha, thành lập 2 nhóm nông dân cùng sở thích tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn và thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước; xây dựng hai nhà máy sơ chế rau tại hai địa phương nói trên, đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản phẩm của nông dân đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Từ cuối năm 2010 đến nay, nông dân 2 địa phương nói trên đã tiêu thụ được 30 tấn rau ăn lá và 57 tấn rau ăn quả ở thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá cao hơn các loại rau cùng loại chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ 20-30%.

Đối với hợp phần tăng thu nhập từ cây dừa, tỉnh ta cũng đã hoàn thành báo cáo ngành dừa với sự tham gia của các tư vấn quốc gia, quốc tế; giúp 3 doanh nghiệp và cơ sở chế biến xơ dừa, dầu dừa tinh khiết xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trong năm 2012, tỉnh ta bố trí gần 200 triệu đồng thông qua chương trình khuyến công để hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất dừa.

Hợp phần các hệ thống chăn nuôi có lãi cũng đã được triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể: thành lập 6 nhóm chăn nuôi cùng sở thích nuôi bò thịt và nuôi thỏ; hỗ trợ bò giống và các trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò, thỏ vào thực tế. Kết quả là một số hộ đã có thu nhập khá từ hai loại vật nuôi nói trên.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc Dự án, cho biết: “Các hoạt động của dự án đã cơ bản thực hiện đúng kế hoạch; tổ chức bộ máy của dự án đã hình thành và hoạt động hiệu quả, được NZAID đánh giá cao. Dự án đã góp phần cải thiện sinh kế của các hộ nông dân và nông dân nghèo thông qua việc tăng cường tính cạnh tranh của các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tăng cường năng lực cho ngành kinh doanh nông nghiệp để cải thiện các hoạt động phát triển nông thôn theo định hướng thị trường, nhằm mang lại lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường bền vững cho các hộ nông dân nghèo”.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững - kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” tại tỉnh Bình Định là 2,138 triệu USD. Trong đó có 1,737 triệu USD là viện trợ không hoàn lại của NZAID, còn lại là kinh phí đối ứng của tỉnh. Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong 4 năm (2009 - 2013) do UBND tỉnh và NZAID cùng điều hành, Sở NN-PTNT tỉnh là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án.

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng trăm héc ta lúa Ma Lâm 48 bị bệnh   (20/06/2012)
Cả doanh nghiệp và nông dân đều lợi  (20/06/2012)
Nhiều HTX nông nghiệp làm dịch vụ có lãi  (20/06/2012)
Nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa  (20/06/2012)
Sản xuất thử nghiệm gạch samot chịu lửa ở Bình Định  (20/06/2012)
Hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh  (20/06/2012)
Người Bana làng K3 đoàn kết giữ rừng  (19/06/2012)
Diêm dân chưa mặn mà  (19/06/2012)
Cục Thuế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp  (19/06/2012)
Sẽ được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào đầu tháng 7  (19/06/2012)
Giá tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm giảm mạnh  (19/06/2012)
Cổ phiếu bất động sản tăng trần, hai sàn tăng điểm   (18/06/2012)
Lập lờ xuất xứ trái cây  (18/06/2012)
“Đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn”   (18/06/2012)
Xây dựng 4 công trình kênh mương, đường giao thông  (18/06/2012)