Hoạt động của các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ:
Tìm hướng vượt khó
23:3', 21/6/ 2012 (GMT+7)

Liên tiếp những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) chế biến đồ gỗ (CBĐG) trên địa bàn tỉnh phải trải qua nhiều bước thăng trầm. Thậm chí, một số DN đã phải tuyên bố phá sản. Làm thế nào để hỗ trợ các DN CBĐG trên địa bàn tỉnh vượt khó, phát triển là vấn đề đang được UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng quan tâm… 

 

DN CBĐG trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, từng bước phát triển ổn định.

- Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu ở một doanh nghiệp. Ảnh: Phước An

 

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với khủng hoảng nợ công ở Mỹ và châu Âu trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế trong nước và khu vực, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN, trong đó có các DN CBĐG trên địa bàn tỉnh. Tính từ năm 2008 đến nay, ngành gỗ của tỉnh phải trải qua những giai đoạn thăng trầm khá phức tạp. Nếu như năm 2008, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của các DN CBĐG trên địa bàn đạt gần 250 triệu USD, sang năm 2009 đã tụt xuống còn khoảng trên 174 triệu USD… Năm 2011, giá trị KNXK của nhóm hàng này đạt trên 249 triệu USD, giảm 6,4% so với năm 2010.

Thăng trầm ngành gỗ

Theo ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), mặc dù đã cố gắng trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, giảm giá thành đầu vào và nỗ lực tìm kiếm, phát triển thị trường, song hoạt động SXKD của các DN CBĐG trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng lưu ý, theo lãnh đạo FPA Bình Định, tính từ năm 2008, giá trị KNXK của các DN hội viên (trong đó đa phần là những DN lớn) ngày càng giảm sút. Nếu như năm 2008, tỉ trọng giá trị KNXK của các DN thành viên Hiệp hội chiếm 78% tổng KNXK của ngành CBĐG tỉnh, thì đến năm 2011 giảm còn trên 60%.

Ông Nguyễn An Điềm cho biết: “Trong năm 2011, lợi nhuận biên của ngành CBĐG ở tỉnh ta đã xuống ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Phần lớn các DN CBĐG trên địa bàn không đạt kết quả kinh doanh, thậm chí số lượng DN bị thua lỗ có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, hầu hết các DN CBĐG hàng đầu trên địa bàn tỉnh đều có KNXK giảm so với năm 2010...”.

Bước sang năm 2012, gánh nặng khó khăn lại tiếp tục chồng chất lên các DN CBĐG trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Công Thương, 5 tháng đầu năm 2012, giá trị KNXK của nhóm hàng lâm sản toàn tỉnh đạt gần 110 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, gỗ tinh chế ngoại thất giảm 2,2 nghìn m3, giá trị giảm 5 triệu USD; gỗ tinh chế nội thất giảm 1,1 nghìn m3, giá trị giảm 1,7 triệu USD…

Hiện đã có một số DN CBĐG phải tuyên bố phá sản, một số DN chuyển hướng sang kinh doanh các ngành khác, như du lịch, khai khoáng… Riêng đối với những DN còn hoạt động thì đa số phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và nhận ít đơn hàng hơn so với năm 2011. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp của công nhân, lao động ngành CBĐG ngày một gia tăng…

Tìm hướng khắc phục

Vì sao ngành CBĐG của tỉnh lại lâm vào tình thế khó khăn đến thế? Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, một trong những nguyên nhân cơ bản là do thị trường gỗ tại EU liên tục bị ảnh hưởng do tình trạng nợ công, đồng Euro xuống giá và chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ các nước châu Âu. Nền kinh tế trong nước chưa thực sự ổn định, tình hình lạm phát và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao và DN cũng khó tiếp cận được nguồn vốn vay…

Những tác động này đã làm tăng giá thành sản phẩm đồ gỗ từ 30%-40% so với năm 2011, nhưng giá xuất khẩu tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do nhiều DN CBĐG trên địa bàn tỉnh tỏ ra thận trọng, nhận ít đơn hàng, vì sợ giá nguyên liệu vật tư, phụ liệu tăng cao, dễ bị thua lỗ. Thực tế là các nhà nhập khẩu EU có gửi khá nhiều đơn hàng nhưng giá mua thấp (chỉ tăng 3%-5%, hoặc không tăng).

Làm thế nào để các DN CBĐG trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, từng bước phát triển ổn định? Theo ông Nguyễn Kim Phương, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới chưa thật sự ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường xuất khẩu tuy có xu hướng hồi phục dần, nhưng những rào cản kỹ thuật mới lại xuất hiện; nền kinh tế dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, các cân đối vĩ mô chưa thật sự ổn định; sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của tỉnh vẫn còn yếu…

Trước những thử thách trên, Sở Công Thương đã đưa ra các giải pháp cơ bản nhằm giúp các DN CBĐG trên địa bàn hồi phục, ổn định SXKD, như: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các DN CBĐG, nhất là giảm lãi suất vay vốn để mua nguyên liệu; tăng cường công tác đào tạo lao động, đào tạo nguồn nhân lực (nhất là cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật); khai thác thị trường xuất khẩu các sản phẩm có giá trị; chuyển dần từ sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ gỗ trong nhà...

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN CBĐG. Cụ thể, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động SXKD của các DN CBĐG, nhất là trên các lĩnh vực hồ sơ thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng công trình, tuyển và sử dụng lao động, sử dụng hạ tầng dùng chung, lệ phí môi trường… Riêng đối với tiền thuê đất, phí hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, cần xem xét giải quyết theo hướng kéo dài thời gian nộp hoặc cho nộp theo từng năm để giảm bớt khó khăn cho DN…

UBND tỉnh cũng đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội FPA tỉnh và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư, đối tác liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước giúp các DN sớm ổn định, phục hồi SXKD…

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao thu nhập cho nông dân  (21/06/2012)
Hàng trăm héc ta lúa Ma Lâm 48 bị bệnh   (20/06/2012)
Cả doanh nghiệp và nông dân đều lợi  (20/06/2012)
Nhiều HTX nông nghiệp làm dịch vụ có lãi  (20/06/2012)
Nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa  (20/06/2012)
Sản xuất thử nghiệm gạch samot chịu lửa ở Bình Định  (20/06/2012)
Hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh  (20/06/2012)
Người Bana làng K3 đoàn kết giữ rừng  (19/06/2012)
Diêm dân chưa mặn mà  (19/06/2012)
Cục Thuế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp  (19/06/2012)
Sẽ được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào đầu tháng 7  (19/06/2012)
Giá tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm giảm mạnh  (19/06/2012)
Cổ phiếu bất động sản tăng trần, hai sàn tăng điểm   (18/06/2012)
Lập lờ xuất xứ trái cây  (18/06/2012)
“Đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn”   (18/06/2012)