Bình Định có diện tích đất rừng khá lớn với độ che phủ của rừng đến cuối năm 2011 đạt 47,2%. Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp tỉnh cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức do sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước thực trạng này, ngành Lâm nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với các tác động bất lợi của BĐKH, nhằm bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn…
Những tác động xấu
Trong thời gian qua, BĐKH toàn cầu gắn liền với sự ấm lên của trái đất, sự dâng cao của mực nước biển đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành Lâm nghiệp tỉnh. Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, Bình Định đã có những dấu hiệu ảnh hưởng rõ rệt của BĐKH như: nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng lên, lượng mưa nhiều vùng đã giảm rõ rệt, hạn hán ngày càng trầm trọng, bão lũ cũng khắc nghiệt hơn trước và nước mặn lấn sâu hơn vào các cửa sông…
|
Một khu rừng trồng tại xã Phước Thành (Tuy Phước) bị bão làm ngã đổ. Ảnh: N. HÂN |
Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 384.098 ha. Trong đó, đất có rừng gần 300.000 ha, gồm rừng tự nhiên 203.984 ha, rừng trồng 95.431 ha; độ che phủ của rừng đến cuối năm 2011 đạt 47,2%. Nằm trong bối cảnh chung do ảnh hưởng của BĐKH, rừng trên địa bàn tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của nạn hạn hán, lũ lụt đe dọa trực tiếp đến nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng trồng, rừng cảnh quan, rừng ngập mặn. Đáng lưu ý là tình trạng hạn hán trong mấy năm gần đây đã làm cho nhiều diện tích rừng trồng bị chết khô. Theo thống kê của ngành Lâm nghiệp, trong năm 2009, nắng nóng đã làm cho 1.145 ha rừng trồng bị chết, năm 2010 là 1.240 ha và năm 2011 là 157 ha.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài còn là tác nhân dễ xảy ra cháy rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ cháy rừng, diện tích bị thiệt hại là 145 ha. 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng trồng, diện tích bị thiệt hại 23,26 ha. Các địa phương thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng là TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn…Ngoài ra, hàng năm lũ lụt cũng đã làm cho nhiều diện tích rừng bị sạt lở, nhiều cây rừng bị đổ gãy, trốc gốc, cuốn trôi…
Chủ động ứng phó
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng tới các vùng với những mức độ khác nhau. Đối với vùng ven biển Trung bộ, trong đó có Bình Định, do địa hình phức tạp với các dãy núi cao chạy sát biển, xen kẽ những đồng bằng nhỏ hẹp chịu ảnh hưởng nhiều của các đợt gió mùa nóng, lượng mưa thấp nên điều kiện khí hậu của khu vực này rất khắc nghiệt. Bên cạnh đó, độ che phủ của rừng ở khu vực miền Trung không đồng đều, lưu vực sông ngắn và dốc đã hạn chế khả năng điều tiết dòng chảy của hệ thống tưới tiêu và sông ngòi, dễ gây ra lũ lụt bất ngờ và hạn hán kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn… |
BĐKH đã và đang gây ra nhiều hiện tượng bất thường của thời tiết, làm ảnh hưởng lớn đến ngành Lâm nghiệp tỉnh. Vì vậy, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong thời gian đến là rất cần thiết, đặc biệt là đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng... Theo ông Phạm Bá Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, để chủ động ứng phó với BĐKH thì cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, phải đánh giá đúng những tác động của BĐKH đến ngành Lâm nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp thích ứng, xây dựng chiến lược truyền thông cộng đồng ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, cần đề ra những phương pháp, xây dựng các mô hình ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực lâm nghiệp để người dân biết, chủ động ứng phó.
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành liên quan, trong nhiều năm qua, ngành Lâm nghiệp tỉnh đã có nhiều hoạt động, giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững để đối phó với BĐKH. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững, tăng cường trồng rừng, nhất là trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn… Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các hoạt động sản xuất lâm nghiệp như: trồng, chăm sóc, khai thác rừng đúng thời vụ, đúng kỹ thuật; nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đảm bảo hiệu quả cao và chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do sự bất thường của thời tiết.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển lâm nghiệp; xây dựng các giải pháp, chính sách khuyến khích áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong thu hoạch; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, các dịch vụ thương mại để gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp của địa phương. Qua đó, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các tổ chức, nông dân, góp phần thúc đẩy ngành lâm nghiệp một cách bền vững và tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH.
|