Bình Định cùng với Đà Nẵng, Cần Thơ là 3 tỉnh, thành phố của Việt Nam được chọn tham gia Dự án Nghiên cứu mô hình truyền thông về rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH) và thích ứng tại các cộng đồng ven biển và châu thổ Việt Nam” . PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Văn phòng Điều phối về BĐKH (CCCO) Bình Định, xung quanh việc triển khai Dự án này ở tỉnh ta.
* Xin ông giới thiệu đôi nét về Dự án Nghiên cứu mô hình truyền thông về rủi ro do BĐKH và thích ứng tại các cộng đồng ven biển và châu thổ Việt Nam?
- Dự án “Nghiên cứu mô hình truyền thông về rủi ro do BĐKH và thích ứng tại các cộng đồng ven biển và châu thổ Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC - Canada) và Viện Chuyển đổi Xã hội và Môi trường (ISET) tài trợ. Các đối tác của dự án gồm có: Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học công nghệ (NISTPASS), Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. 3 tỉnh, thành phố của Việt Nam được chọn tham gia Dự án là Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định.
|
Cộng đồng cư dân sống ven đầm Thị Nại sẽ có nhiều thông tin hữu ích để ứng phó với những rủi ro do BĐKH. |
Mục tiêu chính của dự án là: X ác định phương thức hiệu quả để cải thiện và chia sẻ những kiến thức và hiểu biết về BĐKH; hỗ trợ giảm nhẹ các rủi ro liên quan đến nước và tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH. Cụ thể, dự án sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá nhận thức của các bên liên quan về mức độ và nguyên nhân của những rủi ro liên quan đến khí hậu và nước; hỗ trợ quá trình học tập chia sẻ hiểu biết về các rủi ro và phương thức ứng phó giữa các bên liên quan; tìm ra những hạn chế và lợi thế của một số sản phẩm truyền thông khác nhau; cải thiện và tăng cường các công cụ truyền thông phù hợp, có sự tham gia của địa phương; chia sẻ rộng rãi các phát hiện và kết quả nghiên cứu…
* Như vậy, dự án sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi đã đề ra quy trình và phương pháp triển khai thực hiện dự án. Theo đó, quy trình thực hiện dự án bao gồm 6 bước: Đầu tiên, chúng tôi sẽ tiến hành phỏng vấn, rà soát, tiếp đó tổ chức Diễn đàn “Truyền thông rủi ro”; thành lập nhóm truyền thông (NTT); tổ chức mô hình học tập, chia sẻ kinh nghiệm ở mỗi nhóm; sau đó tiến hành thử nghiệm và hoàn thiện mô hình học tập đối với mỗi cộng đồng và cuối cùng là tiến hành phổ biến kinh nghiệm và kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực chính sách, kế hoạch, thể chế… Về kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian 3 năm, từ nay đến cuối năm 2014…
Trong các bước này, vai trò của NTT là rất quan trọng. Chúng tôi sẽ thành lập 2 NTT về BĐKH, gồm: NTT cộng đồng và NTT cho các nhà hoạch định chính sách. Trong đó, NTT cho các nhà hoạch định chính sách bao gồm: Lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, các nhà nghiên cứu, lãnh đạo CCCO và đại diện một số sở, ngành, cơ quan báo chí. Ngược lại, thành phần của NTT cộng đồng là đại diện một số cơ quan chuyên môn (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại), đại diện chính quyền địa phương nơi triển khai dự án (xã Nhơn Bình – TP Quy Nhơn, xã Phước Sơn, xã Phước Thuận – huyện Tuy Phước), Tỉnh đoàn, các cơ quan báo chí.
Vai trò, nhiệm vụ của NTT là: Tham gia quá trình khảo sát thực địa về nhận thức của cộng đồng địa phương về rủi ro; tham gia phát triển mô hình truyền thông, đảm bảo mô hình phù hợp tại địa phương; xây dựng năng lực cho nhóm và địa phương về vấn đề BĐKH và rủi ro liên quan đến tài nguyên nước, chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới làm việc của mình; hỗ trợ quá trình áp dụng mô hình truyền thông đã được phát triển tại địa phương… Cụ thể, các thành viên của NTT sẽ tham gia một số hoạt động, như: Hội thảo và tập huấn về truyền thông; thu thập thông tin đầu vào cho mô hình; xây dựng công cụ truyền thông; cùng thiết kế và tổ chức triển khai các mô hình truyền thông tại địa phương; tham gia đánh giá kết quả các mô hình; tổ chức triển khai mở rộng các mô hình hiệu quả…
* Tỉnh ta đặt kỳ vọng như thế nào ở dự án?
- Có thể nói, đây là dự án có ý nghĩa không nhỏ đối với 3 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có Bình Định. Chúng ta biết rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá phải đối diện với tác động của BĐKH. Theo các nhà khoa học, dự báo trong tương lai hầu hết nhiệt độ trung bình trong cả nước đều tăng từ 2-3o C; nhiệt độ tối cao có thể cao hơn so với kỷ lục hiện nay từ 4-50C, và số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 350C tăng 10-20 ngày/năm; lượng mưa sẽ tăng ở hầu khắp cả nước, với mức tăng phổ biến từ 10-20%/năm....
Riêng đối với Bình Định, đây là một trong những tỉnh có nguy cơ chịu tác động của BĐKH cao nhất. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, giai đoạn trước năm 1975, số lượng các cơn bão ở Bình Định chỉ là 0,7 thì sau năm 1975 đã lên khoảng 1,13 cơn bão/năm, là một trong những tỉnh chịu số lượng các cơn bão nhiều nhất từ biển Đông và có xu hướng tăng theo thời gian. Đáng lưu ý, mùa mưa bão ở Bình Định thường bắt đầu từ tháng 9, tập trung chủ yếu vào tháng 10, tháng 11 và kết thúc vào tháng 12, nhưng gần đây có xu hướng xuất hiện sớm hơn. Bên cạnh đó, những biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường… cũng ngày càng diễn biến phức tạp.
Như vậy, tỉnh ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án. Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng ở khu vực duyên hải và đồng bằng (trong đó có Bình Định) về BĐKH và những tác động của BĐKH; góp phần thay đổi hành vi của những người dân chịu rủi ro ở 3 tỉnh được chọn tham gia dự án. Đồng thời, dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các công cụ truyền thông nhằm xác định những rủi ro do BĐKH vào quá trình phát triển; nâng cao năng lực của người dân, giúp họ có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định ứng phó với những rủi ro do BĐKH. Không chỉ có vậy, theo tôi, dự án còn nâng cao năng lực của các nhà nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu ở địa phương; tăng cường quá trình hoạch định chính sách có sự tham gia, minh bạch và trách nhiệm đối với những cộng đồng chịu rủi ro…
- Xin cảm ơn ông!
|