|
Tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm tại xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. |
Thời tiết tỉnh ta đang là mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, có nguy cơ gây dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Trước tình hình này, ngành Thú y tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hàng năm vào mùa nắng nóng, nguy cơ tái phát dịch bệnh GSGC trên địa bàn toàn quốc là khá cao. Nếu cơ quan chức năng và người chăn nuôi không có các biện pháp phòng chống tích cực, khả năng bùng phát dịch trên đàn GSGC rất cao. Thời điểm hiện nay, toàn quốc đã có 10 tỉnh, thành xảy ra dịch “tai xanh” trên đàn heo, với chiều hướng lây lan rất nhanh.
Tại tỉnh ta, các năm trước đây, dịch bệnh “tai xanh” trên đàn heo đã xảy ra tại một số huyện: Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước… gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Ngành Thú y và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bao vây, dập tắt các ổ dịch; đồng thời tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi; ngăn cấm các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo ra vào vùng dịch... Tuy nhiên, vi-rút gây bệnh trên đàn gia súc vẫn tiềm ẩn trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển, bùng phát thành dịch.
“Nếu cơ quan chức năng và người chăn nuôi không có các biện pháp phòng chống tích cực, khả năng bùng phát dịch trên đàn gia súc gia cầm rất cao!” |
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn GSGC như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, lở mồm long móng… cũng rất dễ xảy ra. Điều đáng lo ngại là phần lớn các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng được các địa điểm giết mổ GSGC tập trung. Tình trạng mua bán, giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh thú y cũng đang diễn ra khá phổ biến, rất dễ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen vứt xác GSGC bị bệnh xuống sông, rạch, kênh mương... nên dịch bệnh luôn có nguy cơ tiềm ẩn, có thể gây dịch bất cứ lúc nào.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong mùa nắng nóng, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh, Chi cục Thú y và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, trong đó, chú ý đến công tác tiêm phòng vắc-xin ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm. Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Chi cục đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Chi cục đã phân công cán bộ thú y phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh túc trực tại các chốt kiểm dịch động vật tại đèo Bình Đê, Cù Mông, đường Quy Nhơn- Sông Cầu… để kiểm tra, phát hiện và xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép GSGC bị mắc bệnh ra vào tỉnh. Mặt khác, Chi cục đã hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng chống các loại dịch bệnh hay phát sinh trên đàn GSGC trong mùa nắng nóng, như lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng...”.
Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã yêu cầu các Trạm Thú y địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giảm mật độ nuôi, có biện pháp làm mát chuồng nuôi. Thường xuyên thu gom, vận chuyển phân, các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường. Bên cạnh đó, Chi cục còn vận động người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện dịch bệnh thì báo cáo ngay cho cán bộ thú y đứng chân địa bàn để xử lý, không tự ý chữa trị hoặc vứt xác GSGC ra các sông, suối, kênh mương…
Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng đợt 1-2012 cho trên 220 ngàn con trâu bò, đạt tỉ lệ 89% tổng đàn. Đối với đàn heo, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho gần 76 ngàn con heo giống và trên 312 ngàn con heo thịt. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi đã tiêm phòng các loại bệnh: tụ huyết trùng, dịch tả, cúm gia cầm… cho trên 2,75 triệu con gà vịt. |
|