Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn tỉnh ta đã có bước chuyển mạnh mẽ về quy mô, số lượng, hiệu quả kinh tế…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, KTTT ở tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập, cần được quan tâm giải quyết để phát triển mạnh mẽ hơn.
|
Nhờ đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi heo, gà, ông Nguyễn Văn Nam, ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) có mức thu lãi hàng năm trên 400 triệu đồng.
|
KTTT được xem là giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Nhiều địa phương có ưu thế về đất đai, lao động... đã khuyến khích nông dân phát triển KTTT, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.039 trang trại tổng hợp, bình quân mỗi trang trại có diện tích từ 2-4ha. Các trang trại nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển ở những vùng ven biển như: TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn. Trang trại trồng cây lâu năm tập trung ở vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ. Trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại Hoài Ân, thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát...
Hiệu quả bước đầu
Tại TP Quy Nhơn, địa phương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế vườn, KTTT là phường Bùi Thị Xuân. Toàn phường hiện có 112 hộ gia đình xây dựng trang trại với tổng diện tích 384 ha, chủ yếu trồng cây ăn quả, cây công nghiệp kết hợp với chăn nuôi gia súc; tổng doanh thu đạt 14,7 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 3,7 tỉ đồng. Ngoài ra, trong phường còn có 55 hộ đã cải tạo 111 ha vườn tạp thành vườn kinh tế…
Tại Phù Cát, trên 200 hộ gia đình khai thác 5.000 ha đất hoang hóa, đất trống, đồi trọc tại các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn…, để phát triển KTTT. Hàng ngàn ha đất vườn cũng đã được nông dân cải tạo, phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng kết hợp. Hiện nay, bình quân mỗi trang trại ở Phù Cát có mức lợi nhuận từ 50 đến 200 triệu đồng/năm.
Toàn huyện Hoài Ân có 181 trang trại, tổng diện tích trên 953 ha. Trang trại trồng trọt có diện tích ít nhất là 3 ha, rộng nhất là 26 ha; trang trại chăn nuôi ít nhất là 100 con gia súc... Bình quân thu nhập hàng năm của mỗi trang trại ở Hoài Ân trên 50 triệu đồng, trang trại thu nhập nhiều nhất từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng.
Ông Tống Nhuệ, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, cho biết: Sự phát triển của KTTT trong thời gian qua đã góp phần khai thác có hiệu quả quỹ đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm nông sản hàng hóa…
Cần sự trợ lực
Bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi, KTTT ở tỉnh ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết kịp thời. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về phát triển KTTT song còn một số vấn đề về quan điểm và chính sách phải tiếp tục làm rõ như: việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, tích tụ đất để làm KTTT. Việc quy hoạch tổng thể cho phát triển KTTT ở tỉnh ta chưa được thực hiện đồng bộ, còn mang tính tự phát. Quy mô KTTT còn nhỏ, chưa đồng đều ở các vùng, các địa phương. Công tác tổ chức sản xuất ở các trang trại còn manh mún.
Nhiều trang trại do hình thành tự phát, nên các chủ trang trại mạnh ai nấy làm, hoạt động phân tán, thiếu liên doanh, liên kết, tương trợ nhau. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các chủ trang trại còn thấp, chưa đủ để tiếp nhận, quản lý sử dụng những nguồn vốn lớn nhằm tổ chức sản xuất có hiệu quả. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp giống tốt cho các chủ trang trại tuy có quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu ra cho nông sản còn bấp bênh, còn xảy ra tình trạng nông sản được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa. Phần lớn chủ trang trại còn thiếu hiểu biết về thị trường nên thường lúng túng và chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Ngoài những khó khăn cơ bản trên, vấn đề bức xúc nhất hiện nay của KTTT ở tỉnh ta là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại và vốn đầu tư sản xuất. Nhiều diện tích đất làm trang trại chưa được chính quyền địa phương giao đất, cho thuê đất ổn định, lâu dài, chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nên chủ trang trại chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất. Một số địa phương hạn chế mức giao đất làm KTTT dù chủ trang trại có đủ khả năng về tài chính và kỹ thuật sản xuất. Nhiều chủ trang trại khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng...
Để KTTT phát triển, các ngành chức năng của tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn trên; đồng thời có biện pháp tổng thể quy hoạch sản xuất, xác định rõ vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến; xác định từng loại cây trồng trên từng loại đất, gắn với đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất. Tăng cường nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao các tiến bộ KHKT và cập nhật thông tin thị trường giúp nông dân…
|