Chủ trương xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) trong sản xuất lúa được Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện thí điểm tại một số địa phương trong toàn quốc từ vụ Đông Xuân 2008-2009. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai thực hiện mô hình (MH) này tại một số HTXNN trong tỉnh, kết quả rất khả quan. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, về vấn đề này.
|
Mô hình CĐML gắn với Hội thi máy gặt đập liên hợp được Bộ NN-PTNT phối hợp với Sở NN-PTNT và UBND huyện Tuy Phước thực hiện có hiệu quả trên cánh đồng thuộc xã Phước Sơn (Tuy Phước) trong vụ Hè Thu năm 2011.
- Trong ảnh: Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại CĐML xã Phước Sơn (Tuy Phước).
|
* Xin ông cho biết, mục tiêu và kết quả thực hiện việc xây dựng “Cánh đồng mẫu” trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Việc triển khai xây dựng các CĐML với mục tiêu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) tiên tiến vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một diện tích rộng lớn… Đây là nền tảng cho việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu lúa gạo cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng MH CĐML còn là sự liên kết chặt chẽ có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giữa 4 nhà - nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp (DN). Qua đó, triển khai sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, vừa chủ động trong sản xuất, từng bước điều tiết và đảm bảo tiêu thụ lúa gạo, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân; góp phần hình thành những vùng canh tác lúa có quy mô lớn; được xem là vấn đề cấp bách và cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Trước yêu cầu đó, từ vụ sản xuất Đông Xuân năm 2009-2010, Sở NN-PTNT đã triển khai thực hiện thí điểm các CĐML bằng Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” thực hiện tại xã Nhơn Lộc (An Nhơn) với 120 hộ nông dân tham gia, diện tích 16,3 ha. Được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, ngành Nông nghiệp tỉnh cử cán bộ kỹ thuật đến địa phương “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân, hướng dẫn bà con ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, như gieo sạ bằng máy sạ hàng, áp dụng kỹ thuật “5 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế), quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Nhờ vậy, cây lúa trong MH sinh trưởng, phát triển khá tốt, sâu bệnh giảm đáng kể so với diện tích sản xuất ngoài MH. Năng suất lúa bình quân trong MH đạt từ 80-90 tạ/ha, lợi nhuận tăng cao hơn so với ngoài mô hình từ 3,5-4 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, vụ Hè Thu năm 2011, MH CĐML gắn với Hội thi máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Nam được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thuộc Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT và UBND huyện Tuy Phước triển khai tại HTXNN 2 Phước Sơn với 264 hộ nông dân tham gia, diện tích 50 ha. MH có sự tham gia hỗ trợ về phân bón (cho mượn phân bón đầu vụ không tính lãi) của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ giống lúa cấp 1, nông dân chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Nhờ đó, năng suất lúa cả cánh đồng đạt bình quân trên 75 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 90 tạ/ha; lợi nhuận tăng so với ngoài MH trên 6 triệu đồng/ha/vụ…
* Qua triển khai thực hiện các MH CĐML, đã đúc kết được những kinh nghiệm sản xuất như thế nào, thưa ông?
- Qua thực tiễn triển khai các CĐML đã mang lại những kinh nghiệm rất quý trong công tác chỉ đạo sản xuất, hiệu quả của MH khá cao nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT trong sản xuất lúa. Đáng chú ý là các tiến bộ KHKT mới được nông dân áp dụng khá tốt, như chương trình 5 giảm, 3 tăng… Cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã nắm bắt được các bước triển khai thực hiện MH CĐML, hướng dẫn kỹ thuật và quản lý việc triển khai thực hiện khá tốt. Các DN kinh doanh vật tư nông nghiệp sẵn sàng tham gia MH để hỗ trợ nông dân. Xây dựng CĐML, địa phương và ngành chức năng có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, như: bê tông hóa hệ thống thủy lợi, phát triển mạng lưới giao thông nội đồng; hệ thống các HTXNN được phát huy như là chiếc cầu nối giữa nông dân và nhà nước cùng DN trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Trong vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh tiếp tục xây dựng 7 MH CĐML tại các huyện Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, mỗi CĐML có quy mô diện tích từ 10-50 ha. Các giống lúa được đưa vào sản xuất gồm lúa lai Syn 6, BiO 404, Nhị ưu 838, và các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao như OM6976, OM6162, TBR45, BC15, ĐV108, HT1…
* Ông có thể cho biết kế hoạch mở rộng xây dựng các CĐML trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
- MH CĐML là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Việc xây dựng CĐML cũng là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở thực tiễn và điều kiện sản xuất lúa ở tỉnh ta, việc triển khai xây dựng CĐML là rất cần thiết nhằm tăng năng suất, hiệu quả; giảm chi phí sản xuất.
Để từng bước mở rộng các CĐML, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất lúa cụ thể, triển khai công tác dồn điền đổi thửa, nhằm đảm bảo các điều kiện thâm canh, phù hợp với quy hoạch chung và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng đề xuất với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh có chính sách thu hút các DN tham gia xây dựng CĐML, nhất là các DN bao tiêu sản phẩm đầu ra; đồng thời hỗ trợ các HTXNN, nông dân tham gia thực hiện CĐML. Tăng cường hỗ trợ về chính sách áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như: máy sạ hàng, máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp… Hỗ trợ kinh phí khuyến nông, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở giúp đỡ nông dân sản xuất có hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
|