Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10.5.2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), hỗ trợ thị trường, vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh đã tìm hiểu, nắm tình hình SXKD của một số doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK), bàn biện pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn…
|
Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định cập Cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ sản phẩm.
|
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 DN hoạt động trên lĩnh vực CBTSXK với tổng công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm (sản lượng chế biến thực tế đạt khoảng 70-80% công suất); tổng vốn đầu tư 54 tỉ đồng. Sản lượng thủy hải sản chế biến 6 tháng đầu năm 2012 đạt 4.935 tấn, trong đó sản phẩm tôm đông lạnh đạt 1.003 tấn, thủy sản ướp đông khác 3.932 tấn.
Thực tế cho thấy, hoạt động SXKD của các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh chưa vững chắc, thiếu sức cạnh tranh. Trong tình hình thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhiều DN đã nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời bởi hiệu quả không cao do giá nguyên liệu của các nước trên thế giới tăng (giá nhập khẩu thường cao hơn từ 5-10% so với giá mua trong nước) và các khoản phí nhập khẩu nguyên liệu đang tăng cao.
Các DN CBTSXK ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng; thuế môi trường đối với sản phẩm túi nylon dùng đóng gói hàng xuất khẩu tăng. Khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới cũng đã tác động tiêu cực đến các DN. Hiện nay, giá sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, EU… đều giảm mạnh. Dự báo thời gian tới, hoạt động CBTSXK còn gặp nhiều khó khăn, bởi suy thoái kinh tế thế giới chưa hồi phục, nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm. Khi nhu cầu tiêu thụ giảm thì các nước nhập khẩu sẽ dựng thêm những rào cản kỹ thuật để ép giá. Mặt khác, nhiều thông tư hướng dẫn của các bộ, ban ngành hướng dẫn các thủ tục đối với hàng nhập khẩu cũng gây khó khăn trở ngại cho DN.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (CPTSBĐ), cho biết: Việc Bộ Tài chính ân huệ thuế nhập khẩu là 275 ngày và sắp tới Bộ bắt buộc DN phải qua ngân hàng bảo lãnh mới được ân hạn thuế đã gây khó khăn cho DN về khâu thủ tục, thời gian và mức phí đóng bảo lãnh. Mặt khác, khi áp dụng Thông tư 01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, DN càng vất vả hơn vì phải qua quá nhiều công đoạn, DN phải trả nhiều chi phí khác, như tiền kho bãi lưu hàng, tiền điện… làm cho chi phí nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng đến SXKD của DN.
Bà Lan đề nghị tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đối với việc ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày nên tách ra từng nhóm hàng để quản lý áp dụng bảo lãnh của ngân hàng, không nên gộp chung tất cả các sản phẩm. Đối với nhập khẩu nguyên liệu hải sản, nên tiếp tục cho ân hạn như cũ vì nguyên liệu nhập về chế biến và xuất khẩu lại 100%. Các bộ, ngành Trung ương xem xét và sớm có quyết định về việc miễn giảm thuế tài nguyên môi trường đối với túi PE, túi AP dùng để làm hàng xuất khẩu.
Công ty CPTSBĐ cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ phí đào tạo nghề cho lao động; cho Công ty xây dựng khu xử lý chất thải tại khu vực cảng cá cũ và thuê kho dự trữ nguyên liệu tại Cảng cá Quy Nhơn; xem xét cho thuê đất đầu tư nhà máy chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu Hải An số 2…
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Sau khi nghe Công ty CPTSBĐ báo cáo về tình hình SXKD, những khó khăn vướng mắc nảy sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của mình, góp ý và hỗ trợ cho DN thông qua những việc làm cụ thể, giúp DN tháo gỡ khó khăn.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, để đảm bảo và chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến xuất khẩu, thì hơn ai hết các DN phải chủ động cùng người nuôi tôm, các chủ tàu cá trong tỉnh lập kế hoạch sản xuất và bao tiêu sản phẩm lâu dài, có lợi cho cả hai bên. Mặt khác, các DN cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhằm tiết kiệm nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản của tỉnh trên thị trường quốc tế.
Ngành Nông nghiệp cùng kết hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và làm cầu nối để DN - ngư dân liên kết với nhau trong sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, phục vụ chế biến xuất khẩu. Về việc Công ty CPTSBĐ đề nghị được xây dựng khu xử lý nước thải tại cảng cá cũ và việc thuê đất tại khu vực cảng cá mới để xây dựng kho lạnh, Sở NN-PTNT sẽ kiểm tra khu vực nói trên, trả lời cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở TN-MT đều đồng tình với các kiến nghị của Công ty CPTSBĐ và hứa sẽ hỗ trợ, giúp đỡ DN tháo gỡ khó khăn. Đại diện Sở Tài chính cũng đã cung cấp cho Công ty CPTSBĐ nhiều thông tin quan trọng, trong đó có chính sách hỗ trợ các DN theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường. Qua đó, giúp Công ty chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà yêu cầu Công ty CPTSBĐ đẩy mạnh SXKD gắn với việc bảo vệ môi trường và chăm lo đến đời sống của người lao động. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương hỗ trợ các DN CBTSXK tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ.
|