Hơn một năm qua, dư luận ở huyện Vĩnh Thạnh rất bức xúc vụ việc chặt phá rừng trái phép tại khu vực núi Hòn Chò không được xử lý rốt ráo. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy nhiều sai phạm từ việc xác định vị trí giao đất trồng rừng, đến việc phát đốt xâm hại đến rừng tự nhiên mức độ nghiêm trọng. Điều đáng ngờ là vụ việc lại được đề nghị xử lý hành chính.
Cuối tháng 6.2011, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Quang nhận được tin báo có một nhóm người tổ chức phát dọn thực bì xâm hại rừng để trồng rừng kinh tế tại khu vực núi Hòn Chò, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 227, xã Vĩnh Quang. Ngày 29.6.2011, Đoàn kiểm tra của UBND xã phát hiện ông Nguyễn Phê, ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn cùng hàng chục người khác đang chặt phá rừng. Theo lời khai của nhóm người này, họ tổ chức chặt phá đã được 7 - 8 ngày, diện tích rừng đã chặt phá trên 15ha. Đoàn kiểm tra đã đình chỉ việc chặt phá rừng, lập biên bản, báo cáo vụ việc lên các ngành chức năng của huyện Vĩnh Thạnh để xử lý.
|
Một khoảnh rừng tại khu vực Hòn Chò, khoảnh 3, tiểu khu 227, xã Vĩnh Quang bị… “cạo trọc”. Hơn một năm trôi qua, cây bụi đã lên xanh ở diện tích rừng bị phá này.Ảnh: N.H |
Khuất tất từ vụ phá rừng
Kết quả điều tra của Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết, ông Nguyễn Phê chỉ là người được thuê làm công dọn phát thực bì và trồng rừng, người thuê là các ông: Nguyễn Văn Thanh ở thôn Định Xuân và Đặng Văn Lễ, Lê Văn Tấn, Đặng Văn Thanh ở thôn Định Quang (xã Vĩnh Quang). Nhóm 4 ông kể trên cho biết, tháng 4.2009, họ được UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại vùng rừng kể trên để trồng rừng kinh tế, vậy nên họ thuê người tổ chức phát dọn thực bì để chuẩn bị trồng rừng.
Ông Bùi Tấn Thành, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Xuất phát từ nhu cầu trồng rừng kinh tế, năm 2008, một số hộ dân ở xã Vĩnh Quang làm đơn gửi UBND huyện xin cấp đất lâm nghiệp để trồng rừng. Tháng 10.2008, UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ thời gian 50 năm cho các hộ gia đình gồm: Trần Thị Phượng trú tại thôn Định Xuân; Nguyễn Văn Thanh, Đặng Văn Lễ, Lê Văn Tấn, Nguyễn Văn Bá, Đặng Văn Thanh trú ở thôn Định Quang, mỗi hộ được cấp 15 ha (tổng cộng là 90ha).
Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa đối chiếu với hồ sơ, địa điểm của những GCNQSDĐ được cấp, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phát hiện, địa điểm rừng bị phát dọn thực bì nằm ngoài khu vực huyện giao. Cuối cùng, tại buổi làm việc với Kiểm lâm huyện, ông Đặng Văn Lễ khai nhận: “Năm 2008, ông Nguyễn Thành Công, hiện đang công tác tại Công an huyện Vĩnh Thạnh đến nhà mượn sổ hộ khẩu, bảo là để làm thủ tục xin đất trồng rừng. Vì mối quan hệ bà con, tôi cho mượn. Sau đó, ông Công đã làm gì tôi không hề hay biết. Tôi chưa hề có ý định xin đất trồng rừng vì không có nhu cầu. Đến ngày 7.7.2011, UBND xã Vĩnh Quang mời tôi đến làm việc thì ông Công mang GCNQSDĐ đến đưa và nhờ tôi đứng ra nhận đất ấy là do tôi đứng ra xin”.
Cấp đất sai và “cấp một đàng, phá một nẻo”!
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ phá rừng tại khu vực núi Hòn Chò, Thanh tra huyện Vĩnh Thạnh đã vào cuộc, phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Tài nguyên- Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành khảo sát thực tế. Qua kiểm tra, phát hiện có tới hơn 15,3 ha rừng đã bị chặt phá, tất cả đều nằm ngoài khu vực được UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho 6 hộ dân nói trên. Trong đó, đất lâm nghiệp chưa có rừng trạng thái Ia, Ib, Ic thuộc UBND xã Vĩnh Quang quản lý là 13 ha và 1,2 ha đất rừng sản xuất trạng thái IIa; đất rừng thuộc địa phận của huyện Tây Sơn quản lý gần 1,2 ha.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, việc giao đất cho 6 hộ dân nói trên là không đúng quy định của Nhà nước. Bởi trong 90 ha đất đã được cấp “sổ đỏ” có đến 73,8 ha là đất có rừng. Đặc biệt, trong diện tích đất cấp sai có đến 34,6ha là rừng có chức năng phòng hộ!
Cấp đất đã sai. Khi tiến hành trồng rừng các hộ dân lại phá luôn những cánh rừng nằm ngoài vị trí được cấp. Và lạ lùng hơn cả 6 hộ được cấp đất không hề biết gì đến việc xâm hại đến rừng. Thật đơn giản, họ được người khác mượn “đứng tên” trong GCNQSDĐ mà thôi. Toàn bộ việc thuê người phá những diện tích rừng nói trên là do ông Nguyễn Thành Công - hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Vĩnh Thạnh và ông Trần Công Thọ - hiện là Giám đốc Văn phòng đăng ký sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vĩnh Thạnh.
Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định, vụ phá rừng nói trên gây thiệt hại 15,3 ha rừng, lượng gỗ thiệt hại là 12,5m3/ha. Hội đồng định giá tài sản huyện Vĩnh Thạnh đã định giá thiệt hại về lâm sản trên diện tích vi phạm 7.409m2 rừng sản xuất trạng thái IIa là 37,631 triệu đồng.
Cuối năm 2011, 4 cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Thạnh gồm: Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đã có cuộc họp bàn biện pháp xử lý vụ phá rừng nói trên. Tại cuộc họp này, Hạt Kiểm lâm, Viện Kiểm sát huyện cùng cho rằng vụ việc đã vượt khung vi phạm hành chính, có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, hai ngành Công an và Tòa án huyện lại cho rằng, vụ phá rừng nói trên không gây hậu quả lớn nên chỉ đề xuất xử phạt hành chính.
Trước khi khởi tố vụ án, Hạt Kiểm lâm huyện đã báo cáo UBND huyện xin chủ trương xử lý; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ phá rừng nói trên sang cơ quan Công an huyện để tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, vụ việc vẫn treo đó.
Liệu có bị... “chìm xuồng”?
Dư luận nhân dân ở Vĩnh Thạnh cho rằng do có dính đến một số cán bộ của huyện nên vụ việc bị “chìm xuồng”.
“Hạt Kiểm lâm, Viện Kiểm sát huyện cùng cho rằng vụ việc đã vượt khung vi phạm hành chính, có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự” |
Ông Nguyễn Vinh Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh, cho biết: “Căn cứ vào Khoản 10, Điều 2, Điểm b; Khoản 7, Điều 3 và Điều 17 Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2.11.2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; căn cứ kết quả giám định thiệt hại của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định thì vụ phá rừng tại khu vực núi Hòn Chò, khoảnh 3, tiểu khu 227, xã Vĩnh Quang là vi phạm có tổ chức, vượt khung xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong số diện tích 15,3 ha rừng bị phát đốt trái phép có 7.409 m2 rừng sản xuất trạng thái IIa, vượt khung xử phạt vi phạm hành chính phải xem xét chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Để xử lý vụ phá rừng nói trên được khách quan, đúng quy định của pháp luật, Hạt Kiểm lâm đã có văn bản đề xuất UBND huyện chỉ đạo công an huyện tiếp nhận hồ sơ để phối hợp điều tra và báo cáo UBND huyện cho chủ trương xử lý. Mọi việc rất rõ ràng nhưng đến nay, Công an huyện Vĩnh Thạnh vẫn chưa hoàn tất việc điều tra”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi - Vụ phá rừng tại khu vực núi Hòn Chò có bị “chìm xuồng” như dư luận nghi ngờ không?, ông Bùi Tấn Thành, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo và các cán bộ tham mưu cho UBND huyện trong việc cấp GCNQSDĐ sai cho 6 hộ gia đình tại xã Vĩnh Quang. Huyện đã ra Quyết định thu hồi toàn bộ 90 ha đất rừng đã giao; chuyển hồ sơ vụ phá rừng nói trên cho Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Công an huyện vẫn chưa có kết luận điều tra chính thức để giải quyết vấn đề này. UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện nhanh chóng có kết luận điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng tham gia vụ phá rừng. Quan điểm chỉ đạo xử lý của huyện là xử lý nghiêm minh không bao che đối với các đối tượng tham gia phá rừng, cho dù đó là cán bộ của huyện”.
Chúng tôi sẽ còn theo dõi vụ việc và cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới về việc xử lý vụ phá rừng này.
· Điều tra của NGUYỄN HÂN |