Nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ:
Tiếp tục bị xâm hại
22:31', 10/7/ 2012 (GMT+7)

Đầm Trà Ổ là một trong những đầm, phá lớn ở Bình Định, có diện tích 1.200 ha vào mùa cạn, 1.600 ha vào mùa lũ; thuộc địa bàn các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Châu của huyện Phù Mỹ. Đầm Trà Ổ có nguồn lợi thủy sản (NLTS) khá phong phú, đặc biệt là chình mun. Tuy nhiên, hiện nay NLTS đầm Trà Ổ ngày càng suy kiệt do nạn khai thác, đánh bắt bừa bãi bằng những nghề cấm.

 

Quang cảnh mỗi buổi chiều người dân quanh đầm Trà Ổ chèo thuyền đi thả dẹp bắt tôm như thế này nay đã thưa dần vì nguồn lợi thủy sản trong đầm ngày càng cạn kiệt.

 

Đánh bắt hủy diệt 

Từ năm 2007, trong khuôn khổ của đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển thủy đặc sản vùng đầm Trà Ổ - Bình Định” do Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS tỉnh phối hợp với huyện Phù Mỹ triển khai thực hiện; thành lập các nhóm hạt nhân bảo vệ NLTS trong đầm, tình hình xâm hại NLTS đầm Trà Ổ đã được hạn chế đáng kể. Bà con ngư dân quanh đầm rất phấn khởi và cho rằng chỉ cần dẹp được nạn xung chích điện thì trong một thời gian ngắn, tôm, cá đầm Trà Ổ sẽ được phục hồi rất nhanh.

Đầm Trà Ổ đã được Chính phủ công nhận là khu bảo tồn vùng nước nội địa, vì nơi đây được thiên nhiên ban tặng NLTS dồi dào với nhiều đặc sản có giá trị như chình mun, chình bông, cá bống tượng, cá lóc, tôm... với mật độ tương đối dày, là nguồn lợi chính nuôi sống gần cả ngàn hộ dân. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một bộ phận cư dân đã ngang nhiên khai thác NLTS trái phép trong đầm bằng các nghề cấm; trong khi chính quyền các địa phương quanh đầm lại… bó tay. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nạn dùng xung điện khai thác trái phép NLTS trong đầm đã tái diễn với mức độ ngày càng trầm trọng. Có ít nhất hơn 50 hộ ở Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức... vẫn ngang nhiên xung chích điện cả ngày lẫn đêm. Các đối tượng này còn tự do khai thác ở các khu vực bãi đẻ - vườn ươm các giống loài thủy sản, dẫn đến việc con cá, con tôm trong đầm không kịp sinh sản, phát triển...

Bên cạnh nạn xung chích điện, việc dùng loại lưới lồng (do Trung Quốc sản xuất) để khai thác NLTS trong đầm Trà Ổ với năng suất khai thác tăng gấp nhiều lần, chỉ đem lại lợi ích cục bộ cho một bộ phận cư dân, trở thành “nỗi đau đầu” cho chính quyền địa phương và đông đảo bà con ngư dân các xã quanh đầm từ lâu nay chỉ biết khai thác NLTS bằng các nghề truyền thống như giăng câu, thả lưới, thả dẹp, nò, đăng sáo...

Người thả lưới lồng không phải làm mồi, chỉ việc thả lờ xuống, sáng ra dở lồng lên thu hoạch tôm, cua, cá, chình, ốc... rồi lại thả xuống tiếp. Cứ thả bình quân 100 chiếc lưới lồng, mỗi ngày một hộ thu nhập bình quân từ 200 - 300 ngàn đồng, thậm chí 400 - 500 ngàn đồng. Thấy “dễ ăn” quá mà Nhà nước, địa phương không cấm, nhiều hộ đã đầu tư 30 - 40 triệu đồng mua lưới lồng Trung Quốc về sử dụng.

Ông Trương Văn Quý, Trưởng thôn kiêm nhóm trưởng nhóm hạt nhân bảo vệ NLTS thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu), cho biết: Thôn Châu Trúc có hơn 340 hộ, trong gần 150 hộ sống bằng các nghề khai thác, đánh bắt NLTS trong đầm, thì đã có gần 70 hộ sắm lưới lồng để hành nghề. Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, toàn xã Mỹ Thắng có hơn 50 hộ sử dụng lưới lồng, tập trung nhiều ở các thôn: 10 - 8 - 7 Bắc và thôn 4.

Nguồn lợi thủy sản suy kiệt

Chưa nói đến việc đập ngăn mặn Hòa Tân đã hạn chế một lượng nước mặn nhất định từ biển vào đầm; rồi tình trạng ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất hàng trăm ha lúa quanh đầm đã làm suy giảm NLTS trong đầm; chỉ với 2 kiểu khai thác mang tính hủy diệt là nạn xung chích điện và sử dụng lưới lồng Trung Quốc cũng đủ làm cho NLTS đầm Trà Ổ suy kiệt nghiêm trọng như hiện nay.

“UBND huyện Phù Mỹ đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cấm sử dụng loại lưới lồng của Trung Quốc để khai thác, đánh bắt trên đầm Trà Ổ, nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội cho đại bộ phận nhân dân quanh đầm” - ông Huỳnh Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ.

Ông Trần Đức Dũng, ở thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu) gắn bó gần cả cuộc đời với đầm Trà Ổ, bức xúc: Nạn dùng xung điện đánh bắt thủy sản vừa tạm lắng, bà con chúng tôi chưa kịp mừng thì nó lại tiếp diễn. Các đối tượng dùng xung điện khai thác thủy sản trái phép ngày càng ngang nhiên hơn, bất chấp pháp luật, cứ càn quét cả ngày lẫn đêm, tận diệt cá, tôm từ lớn đến bé. Đó là chưa nói việc xung chích điện còn làm cho môi trường sinh thái vùng đầm bị suy giảm nghiêm trọng.

Và thiệt hại lớn nhất lại nhằm vào những hộ chấp hành pháp luật, chỉ biết gắn bó với nghề truyền thống; những hộ nghèo thiếu vốn không thể mua nhiều lưới lồng nên vẫn tiếp tục giăng câu, thả lưới, thả dẹp... với sản lượng tôm cá thu hoạch quá ít ỏi so với những năm trước đây, không đủ tiền gạo mắm hàng ngày. Có không ít hộ phải bỏ nghề, bỏ quê đi nơi khác để tìm kế mưu sinh...

Cứu lấy đầm Trà Ổ!

Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Trước thực trạng nhiều đối tượng dùng các nghề cấm để khai thác trái phép NLTS đầm Trà Ổ, hủy diệt NLTS trong đầm, huyện vẫn lấy biện pháp giáo dục, vận động, tuyên truyền là chính để giúp bà con nhận biết và đừng vì lợi ích trước mắt mà phải chịu tác hại lâu dài không thể lường trước được. Nhất là cán bộ, đảng viên cần tự giác làm gương, cùng nhau vận động không hành nghề cấm, quay trở lại nghề truyền thống, đảm bảo sinh kế lâu dài. Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho nhân dân, chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo quanh đầm vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển ngành nghề khác thích hợp hơn.

Đối với tệ nạn xung chích điện, huyện tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã quanh đầm kiên quyết xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên nào tham gia hành nghề xung chích điện, xem đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đảng viên và gia đình văn hóa, thôn, xã văn hóa hàng năm. Các xã quanh đầm lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng điều hành liên xã, 4 nhóm hạt nhân tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết truy đuổi, truy bắt, lập biên bản xử phạt nặng, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ ai cố tình vi phạm nhiều lần.

Ngoài ra, về lâu dài, huyện tập trung tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và kêu gọi các nhà tài trợ, các dự án bảo vệ môi trường, bảo vệ NLTS... trong nước và quốc tế hỗ trợ để tái tạo NLTS đầm Trà Ổ, thiết thực góp phần cứu lấy đầm Trà Ổ, cứu lấy cuộc sống của bà con quanh đầm.

  • XUÂN LỘC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng Việt ngày càng được ưu tiên sử dụng  (10/07/2012)
An Lão: Quy hoạch và giao đất lâm nghiệp cho dân sản xuất  (10/07/2012)
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp du lịch  (09/07/2012)
Các bên chưa thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh  (09/07/2012)
Tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật mùa nắng nóng  (09/07/2012)
Liệu có bị... “chìm xuồng” ?  (09/07/2012)
VN-Index xuống thấp nhất kể từ đầu tháng Bảy  (09/07/2012)
Nhộn nhịp trước mùa khai giảng   (09/07/2012)
Thành công nhiều mặt  (09/07/2012)
Gỡ khó cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu  (08/07/2012)
Trên 250.000 lượt khách tham quan, mua sắm  (08/07/2012)
Vĩnh Thạnh mở rộng diện tích trồng cây cao su  (07/07/2012)
Lượng nước tại các hồ thủy lợi giảm mạnh  (07/07/2012)
“Cú sốc” cho doanh nghiệp  (06/07/2012)
Vn-Index trụ lại 415 điểm sau 2 phiên cuối tuần tăng điểm  (06/07/2012)