6 tháng đầu năm 2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh thực hiện được gần 259 triệu USD, đạt gần 54% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nửa chặng đường còn lại vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
|
Các doanh nghiệp Bình Định xuất khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Quy Nhơn. Ảnh: L.Q.L
|
6 tháng đầu năm: KNXK tăng 13%
Do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với khủng hoảng nợ công ở Mỹ và châu Âu, thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nói chung, các DN chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) nói riêng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; nhiều DN không đạt kết quả kinh doanh, thậm chí bị thua lỗ… Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, một số DN đã nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất, giữ vững thị trường XK. Điển hình như, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt có giá trị KNXK 6 tháng đầu năm đạt gần 19 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhiều DN có giá trị KNXK tăng trưởng khá, như: Công ty CP Khoáng sản Bình Định (ước thực hiện gần 7,5 triệu USD, đạt gần 125% so với cùng kỳ năm 2011); Công ty CP Lương thực Bình Định (gần 31 triệu USD, đạt gần 103%); Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (trên 13,4 triệu USD, đạt trên 347%); Công ty CP Thủy sản Bình Định (trên 14,3 triệu USD, đạt gần 122%); Công ty TNHH Mỹ Tài (gần 3,3 triệu USD, đạt gần 148%); Công ty Liên doanh sản xuất dăm gỗ Bình Định (gần 8 triệu USD, đạt 135%)…
Thị trường XK của các DN trên địa bàn tỉnh được củng cố và có bước phát triển khả quan. Qua tổng hợp của Sở Công Thương cho thấy, hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2012 đã XK trực tiếp qua 5 châu lục gồm 69 nước và vùng lãnh thổ, trong đó châu Á có 25 nước (ước đạt gần 133 triệu USD, chiếm tỉ trọng 51,3%, tăng 29%); châu Âu có 29 nước (ước đạt 108 triệu USD, chiếm tỉ trọng gần 42%, tăng 3%)…
Phấn đấu thực hiện giá trị KNXK 500 triệu USD
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, những nỗ lực vượt khó của các DN trên địa bàn tỉnh rất đáng ghi nhận. Song, hầu hết các DN ở tỉnh ta đều là DN nhỏ và vừa, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh hạn chế; một số DN chậm đổi mới thiết bị, công nghệ; công tác xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Trong khi đó, những “rào cản kỹ thuật” của các nước nhập khẩu tiếp tục bị áp đặt… Bởi vậy, bên cạnh các DN có giá trị KNXK tăng trưởng khá, vẫn còn không ít DN hầu như chỉ hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn như lâm sản (nhóm hàng chủ lực của tỉnh), 6 tháng đầu năm ước thực hiện gần 116 triệu USD, chỉ đạt 42% kế hoạch năm, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng theo ông Nguyễn Kim Phương, dự tính giá trị KNXK toàn tỉnh 6 tháng cuối năm sẽ thực hiện khoảng 241,2 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng nông sản ước thực hiện 36 triệu USD (tăng 4,3%); thủy sản - 23 triệu USD (tăng 7,5%); nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng - 33 triệu USD (tăng 15%); nhóm hàng công nghiệp chế biến tiêu dùng - 18 triệu USD (tăng gần 22%)… Phấn đấu đến cuối năm 2012, giá trị KNXK đạt 500 triệu USD, tăng 6,4% so với năm 2011.
Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Công Thương đã đề ra các giải pháp: Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP, đề nghị các ngành liên quan thực hiện tốt các chính sách tiền tệ, cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các DN, hỗ trợ tín dụng đầu tư, có chính sách hỗ trợ các DN CBGXK, giảm lãi suất vay vốn để mua nguyên liệu gỗ. Các DN cần đa dạng hóa các mặt hàng XK có thế mạnh của tỉnh. Khuyến khích các DN, các thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, tăng năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng các biện pháp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa XK, đặc biệt là các mặt hàng có tỉ trọng KNXK lớn của tỉnh, như mặt hàng gỗ và lâm sản chế biến; thủy hải sản; nông sản và khoáng sản.
Các DN cũng cần tự nguyện hợp tác, liên kết, hình thành những DN có quy mô lớn, làm đối tác chính trong việc đàm phán, ký kết với các đối tác nước ngoài những đơn hàng lớn; thống nhất điều hành từ khâu nguyên liệu vật tư đến sản xuất, chế biến và giao hàng, bảo đảm chất lượng phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và lợi ích cho các DN thành viên…
Sở Công Thương cũng kiến nghị UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề, như: Đề nghị các Ngân hàng thương mại có chính sách hợp lý để các DN tiếp cận được nguồn vốn vay; xem xét tăng hạn mức và thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất từng loại sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ vốn vay cho các DN lớn, có uy tín, làm đầu mối nhập nguyên liệu gỗ cung cấp cho các DN sản xuất hàng XK, nhằm giảm chi phí đầu vào. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách bình ổn giá cả nguyên, nhiên, vật liệu; điều chỉnh lộ trình tăng các loại phí, các loại giá vật tư cơ bản đầu vào; đề nghị cho phép các DN được giãn nộp tiền thuê đất, phí hạ tầng trong KCN Phú Tài - Long Mỹ trong thời gian 1 năm (từ 1.7.2012 đến 30.6.2013)…
Theo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2012, tổng KNXK của các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện được gần 259 triệu USD, đạt 54% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2011. Những nhóm hàng có giá trị KNXK tăng trưởng là: Nông sản (ước thực hiện gần 55 triệu USD, đạt 68,4% kế hoạch năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011). Thủy hải sản - gần 24 triệu USD, đạt 60%, tăng gần 37%. Khoáng sản và vật liệu xây dựng - gần 39 triệu USD, đạt 77,1%, tăng gấp 2,3 lần. Công nghiệp chế biến tiêu dùng - 26,1 triệu USD, đạt gần 75%, tăng gấp 2,1 lần… |
|