Từ đầu năm đến nay, nhờ tổ chức tốt sản xuất và ổn định nhân lực, các doanh nghiệp (DN) may mặc (MM) trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn và tăng trưởng rất ấn tượng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong thời gian đến, các DN MM trên địa bàn tỉnh cần có những bước đi phù hợp.
|
Một góc phân xưởng may hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần May An Nhơn.
|
Tăng trưởng mạnh
Những năm qua, ngành MM tỉnh ta phát triển mạnh mẽ và từng bước khẳng định được vị thế, khi liên tục có nhiều DN MM lớn quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Bình Định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 dự án MM, với tổng công suất 40 triệu sản phẩm/năm (quy áo sơ mi), tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động. Trong đó, có 15 dự án MM đã hoạt động sản xuất, với tổng công suất trên 26 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 8.500 lao động.
6 tháng đầu năm 2012, dù có nhiều bất lợi do tác động của suy giảm kinh tế, nhưng các DN MM trên địa bàn tỉnh cũng đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 18,2 triệu USD, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân, do tổ chức tốt sản xuất, chất lượng sản phẩm ổn định, nên các DN MM trên địa bàn tỉnh đã tạo dựng được mối quan hệ và niềm tin với khách hàng, ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu trực tiếp. Nhờ đó, KNXK vào các thị trường truyền thống như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… tăng trưởng khá mạnh. Một số thị trường mới mở, như Hàn Quốc, Canada... cũng đã góp phần gia tăng KNXK cho các DN MM trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương): Việc trụ vững và phát triển mạnh mẽ của các DN MM là một tín hiệu vui cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, các DN MM đã tự cứu mình bằng nhiều cách như tổ chức lại sản xuất, thực hiện nhiều chính sách ổn định nguồn nhân lực và phát triển sản xuất, nên ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.
Ông Lê Quang Lương, Giám đốc Nhà máy may Phù Mỹ, cho biết: Chúng tôi luôn coi trọng việc chăm lo đời sống và thu nhập cho người lao động. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động trong nhà máy là 3,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 600 ngàn đồng/người/tháng so với năm 2011. Bên cạnh đó, nhà máy đã tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nên đã tạo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, nhà máy liên tục có đơn hàng sản xuất ổn định.
Để ngành MM phát triển bền vững
Mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng, nhưng các tháng cuối năm 2012, ngành MM trên địa bàn tỉnh còn phải đối mặt với khá nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Các thị trường xuất khẩu chính của các DN MM trên địa bàn tỉnh là Mỹ, EU và Nhật Bản... tiếp tục các chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính, tiết kiệm chi tiêu, nên nhu cầu giảm. Ngoài ra, hiện nay ngành MM xuất khẩu cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… vì giá cả rất “cạnh tranh”. Trong tình thế này, đòi hỏi các DN MM trên địa bàn tỉnh phải có những bước đi phù hợp với những giải pháp mang tính bền vững lâu dài.
Theo ông Võ Mai Hưng, thời gian tới, các DN MM trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng năng suất lao động, tăng cường công tác quản trị DN để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng vòng quay vốn lưu động, tăng hiệu suất sử dụng tài sản cố định, chú trọng hơn việc liên kết thị trường nội bộ, nâng tỉ lệ sản phẩm có giá trị tăng cao. Bên cạnh đó, các DN MM trên địa bàn tỉnh phải tập trung phát triển theo chiều sâu, như đầu tư khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Các DN cũng phải không ngừng củng cố, giữ vững và phát triển quan hệ với các thị trường truyền thống, thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng của khu vực và thế giới để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Ngoài ra, các DN MM trên địa bàn tỉnh cần phải giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao hơn nữa tỉ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng). Bởi lẽ, các đối tác nước ngoài ngày càng kiểm tra chất lượng ngặt nghèo hơn. Trong khi đó, có những chủ hàng muốn giảm giá thành sản phẩm nên giảm chất lượng vật tư, khiến cho tỉ lệ lỗi về kỹ thuật trong khâu sản xuất dễ tăng lên, nên DN làm gia công sẽ không có lợi nhuận.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh ta đề ra mục tiêu phát triển ngành may mặc trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiêu dùng trong nước. Mục tiêu đến năm 2015, tổng công suất của các DN MM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60 triệu sản phẩm/năm. |
|