Sau 2 vụ làm mô hình thử nghiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định có kết luận về hiệu quả 2 chế phẩm sinh học: Metarhizium phòng trừ được rầy nâu hại lúa; Trichoderma phòng ngừa được bệnh thối cổ rễ trên cây đậu phụng, cây họ cà... Từ kết quả này, Trung tâm đã chuyển giao cho nông dân tự nhân giống, sử dụng.
Anh Lương Văn Thân, ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát được Trung tâm chuyển giao kỹ thuật sản xuất chế phẩm Metarhizium. Tại nhà, anh cũng trang bị tủ cấy, ống nghiệm đựng chủng nấm gốc, đèn cồn… để sản xuất chế phẩm này. Anh Thân cho biết: “Quy trình sản xuất khá đơn giản. Cho gạo tấm vào túi nylon có gắn nút, mỗi túi khoảng 0,3 kg, cho vào nồi hấp chín, để nguội, cấy nấm vào. Sau khoảng 14 ngày đem sử dụng (hòa chung với nước phun trên ruộng). Tùy mật độ rầy mà phun nhiều hay ít lần. Vụ Đông Xuân 2011- 2012 phun trên diện tích 1ha ruộng của gia đình có mật độ rầy 300 con/m2, sau phun một tuần chỉ còn 50 con/m2”.
|
Kiểm tra hiệu quả ứng dụng chế phẩm sinh học Trichoderma tại ruộng mô hình. |
Ông Huỳnh Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, cho biết: Qua 8 tháng thực hiện, nhìn chung các chỉ tiêu kỹ thuật đạt và vượt so với yêu cầu. Sản xuất chế phẩm Metarhizium tại nông hộ khá đơn giản, tỉ lệ thành công cao, góp phần giảm mật độ rầy cho cây lúa, giảm ô nhiễm môi trường. Dùng chế phẩm này giảm được lượng thuốc trừ rầy hóa học. Hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn khoảng 0,8 triệu đồng/ha so với ruộng dùng thuốc hóa học.
Với chế phẩm Trichoderma phòng ngừa bệnh thối cổ rễ, đây là chủng nấm đối kháng dùng phổ biến trên thế giới, để phòng ngừa bệnh thối cổ rễ ở cây đậu phụng, cây tiêu, cây ớt, cây họ cà… Trung tâm đã xây dựng mô hình dùng chế phẩm Trichoderma trong vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu vừa qua cho cây đậu phụng ở xã Cát Hiệp (Phù Cát). Kết quả so sánh giữa ruộng mô hình và đối chứng: năng suất tăng hơn 10 kg/sào, tỉ lệ cây chết giảm từ 25-30% xuống còn 5-10%, lợi nhuận tăng hơn 300 ngàn đồng/sào. Đối với vụ Hè Thu, năng suất 150 kg/sào, tăng hơn 10 kg so với ruộng đối chứng không dùng chế phẩm. Tỉ lệ cây chết do bệnh giảm từ 3 đến 4 lần, lợi nhuận cao hơn 220 ngàn đồng/sào.
Chế phẩm Trichoderma giảm được lượng phân bón, hạn chế phun thuốc hóa học, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Tỉ lệ bệnh thối cổ rễ giảm, năng suất, lợi nhuận tăng lên; ngoài ra còn làm thay đổi tập quán dùng thuốc hóa học độc hại của nông dân. Hiện nay, Trung tâm đang có kế hoạch phát triển 2 loại chế phẩm nói trên với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại có trên thị trường để cung cấp cho nông dân.
|