Tình hình kinh tế khó khăn đã gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó các DN chế biến gỗ và đá bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 17.7 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã làm việc với một số DN chế biến gỗ và đá trên địa bàn tỉnh để tìm cách gỡ khó cho các DN này.
Khó chồng lên khó!
Theo phản ánh của các DN, khó khăn chung của các DN chế biến gỗ và chế biến đá hiện nay là chi phí đầu vào tăng cao nhưng đầu ra không tăng; lãi suất ngân hàng còn cao và DN khó tiếp cận được nguồn vốn này; hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm do sức mua yếu, lượng hàng tồn kho còn rất lớn… Bên cạnh đó, ở từng lĩnh vực cũng có những khó khăn riêng.
|
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Trí Tín (Khu công nghiệp Phú Tài). |
Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: “Ngoài những khó khăn nêu trên, hiện các DN chế biến đá trên địa bàn tỉnh đang thiếu nguyên liệu chế biến do việc tổ chức khai thác còn manh mún, thủ công, nên không thu được đá chất lượng tốt, khối lượng lớn, gây lãng phí nguyên liệu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu nội tỉnh phục vụ cho các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất; còn lại phải mua ở các tỉnh lân cận. Song từ đầu năm 2011, các tỉnh này cũng đã cấm không cho vận chuyển đá nguyên liệu ra khỏi địa bàn, nên tình trạng thiếu nguyên liệu càng trầm trọng hơn.
Đối với các DN chế biến gỗ, ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: “Kinh tế thế giới khó khăn nên các nhà nhập khẩu ở các nước châu Âu rất thận trọng trong việc ký kết hợp đồng, bằng cách chia lẻ thành nhiều đơn hàng. Điều này đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch tập trung nguyên liệu, chuẩn bị sản xuất của các DN chế biến gỗ. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực của các DN gỗ ở tỉnh ta cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nên chưa làm được các sản phẩm kỹ thuật cao. Sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau giữa các DN không chặt chẽ nên không phát huy được sức mạnh tổng hợp để đứng vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt...”.
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Những khó khăn mang tính cố hữu xen lẫn những thách thức mới nảy sinh từ đầu năm 2012 đến nay đã làm cho 2 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là đá và gỗ đang trên đà sụt giảm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đá chỉ đạt khoảng 300 tỉ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp của các DN gỗ cũng chỉ đạt 1.565 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ”.
Củng cố để phát triển
Ngày 17.7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã làm việc với các DN chế biến đá và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình SXKD cũng như hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn.
Qua làm việc, các DN kiến nghị UBND tỉnh và các ngành cần nhanh chóng đề ra giải pháp giúp DN tiếp cận nguồn vốn, mở rộng thị trường, ổn định SXKD. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu. Tăng cường hoạt động cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các DN tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu. Các Hiệp hội phải tạo được sự gắn kết giữa các DN hội viên để phân công lao động, chuyên môn hóa trong sản xuất; tận dụng lợi thế về quy mô để đầu tư công nghệ mới, tạo thị trường và vị thế cho nhau; phát huy thế mạnh để cùng phát triển.
Hiện toàn tỉnh có gần 150 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, với tổng công suất 345 ngàn m3/năm, sản lượng trên 8 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngành chế biến đá có 45 DN, tổng năng lực chế biến trên 15.000 m3 đá thành phẩm/năm, giải quyết việc làm cho 1.900 lao động với thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. |
Với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng DN, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc khẳng định: Trong khả năng của mình, tỉnh sẽ can thiệp để DN giảm bớt các gánh nặng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiến hành kiểm tra các ngân hàng thương mại về việc thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vay vốn SXKD. Các ngành chức năng của tỉnh rà soát lại những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, về mặt bằng sản xuất của các DN để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Hiệp hội Chế biến gỗ và Hiệp hội Chế biến đá cần phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ hội viên hoạt động SXKD.
Về các giải pháp lâu dài, đại diện các sở, ngành của tỉnh cũng đã thống nhất đưa ra nhận định: Hiện nay, mặt hàng đồ gỗ ngoài trời đã bão hòa trên toàn thế giới, tỉ suất lợi nhuận không còn hấp dẫn. Trong khi đó, mặt hàng đồ gỗ nội thất đang phát triển mạnh, nhưng thị phần đồ gỗ nội thất của Việt Nam (trong đó có Bình Định) trên thị trường thế giới còn rất thấp. Do vậy, các DN chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần sớm chuyển đổi sản xuất hàng nội thất để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
Đối với các DN chế biến đá, bên cạnh nỗ lực giải quyết lượng hàng tồn kho, cần xây dựng ngay chính sách bán hàng hợp lý hơn và phải nắm bắt được những biến động nhu cầu của thị trường để có kế hoạch SXKD phù hợp, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các DN cũng cần xây dựng chiến lược SXKD dài hạn, nhất là phải có kế hoạch đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu thực tế.
|