Đối với những chủ tàu cá, con tàu chính là cuộc sống của gia đình họ. Đối với thuyền viên, mạng sống và công việc của họ chính là miếng cơm manh áo của vợ con. Lo xa, nếu rủi ro xảy ra, những điểm tựa quan trọng nói trên của gia đình ngư dân bị mất đi mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, họ tham gia bảo hiểm. Thế nhưng thực tế cho thấy, nguyện vọng trên của họ chưa được đáp ứng.
|
Hiểm nguy luôn rình rập ngư dân trong sóng to gió dữ.
|
Lập lờ
So với các tỉnh trong khu vực, Bình Định là tỉnh có đội tàu đánh bắt khơi xa (từ 90CV trở lên) khá lớn - gần 4.000 chiếc. Một nửa trong số này đã tham gia bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu và máy tàu. Bà Mai Kim Thi - Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-VBVNLTS) tỉnh cho biết: “Từ năm 1997 trở về trước, khi còn chương trình đánh bắt xa bờ, 100% tàu cá trong dự án đều bắt buộc phải tham gia bào hiểm thân, vỏ và máy tàu. Bây giờ, ngư dân tự đầu tư sắm tàu thì vấn đề bảo hiểm không còn bắt buộc mà tự nguyện. Tuy nhiên, xuất phát từ suy nghĩ bảo vệ tài sản, các chủ tàu tham gia bảo hiểm đến gần 2.000 chiếc”.
Mua bảo hiểm, nhưng khi rủi ro xảy ra, các chủ tàu cá hầu hết bị thua thiệt, khi bên bảo hiểm căn kè những điều khoản mà khi phân tích chi li theo luật, ngư dân đều đuối lý. Ngư dân Phan Công Nghiệp ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, trước đây là chủ 4 chiếc tàu cá đánh bắt khơi xa, tâm sự: “Nói riêng về bảo hiểm thân tàu (phí được tính theo CV), chúng tôi bị khống chế tọa độ đánh bắt. Nếu hoạt động tại tọa độ ngoài vùng khống chế mà bị tai nạn sẽ gặp khó khăn trong việc bồi thường từ phía bảo hiểm, lúc này tàu gặp nạn chỉ được hỗ trợ phần nào. Rắc rối nhất là những điều khoản về bảo hiểm máy tàu (phí tính theo dung tích). Máy móc nào dùng lâu mà không hỏng hóc. Thế nhưng khi máy tàu bị hỏng ngoài vùng bão gió, bên bảo hiểm luôn đổ thừa cho mình là trong khi vận hành do thợ máy không đúng quy trình kỹ thuật nên gây sự cố. Lúc này chúng tôi chỉ được hỗ trợ chứ không được bảo hiểm. Chỉ khi máy tàu bị hỏng khi gặp bão gió, nước tràn vào gây hỏng máy mới được bồi thường…”.
Cũng theo ông Nghiệp, khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm, bên bán bảo hiểm thường không công khai những ràng buộc. Kiến thức về luật của bên mua cũng hạn hẹp nên khi có sự cố, họ mang bảng điều khoản ra để áp mức bồi thường thì mới ớ người ra. Giấy trắng mực đen, lúc này các chủ tàu không thể cãi nên đành cam chịu thua thiệt. “Khi còn làm chủ tàu, tui đã gặp sự cố nói trên. Trước đó, khi còn làm tàu dưới 90 CV, tui dùng bằng thuyền trưởng hạng nhỏ. Sau khi ăn nên làm ra tui mua tàu trên 90CV và mua bảo hiểm, bên bảo hiểm không hề hỏi tui có bằng thuyền trưởng hạng 5 chưa mà cứ ký hợp đồng vô tư. Đến khi chiếc tàu của tui bị sự cố, họ lại hạch tới hạch lui rằng tui chưa có bằng thuyền trưởng hợp chuẩn. Tui đành chịu thiệt. Gặp rủi ro nếu tàu bị hỏng máy, khi kiểm tra giám định mà chủ tàu không có bằng thuyền trưởng và máy trưởng hạng 5 là coi như thua. Thế nhưng khi ký hợp đồng họ không nói ra những điều khoản này để tụi tui bổ sung”, ngư dân Phan Công Nghiệp bức xúc. Mà đó chỉ là vài ví dụ điển hình do bên mua không rành luật, mà bên bán lợi dụng đó để "gài bẫy tương lai".
|
Ngư dân đơn độc giữa biển cả.
|
Sinh mạng 1 ngư dân = 10 triệu, 20 triệu
Tính bình quân 10 thuyền viên đi trên 1 tàu đánh bắt xa bờ, thì với gần 4.000 chiếc tàu trên 90CV, Bình Định hiện có khoảng 40.000 lao động thường xuyên lênh đênh ngoài khơi xa. Và 100% số thuyền viên này đều đã tham gia bảo hiểm tai nạn. Tuy nhiên, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên cũng đang tồn tại rất nhiều bất cập. “Bảo hiểm rủi ro cho thuyền viên, coi đơn giản vậy nhưng cũng nghiệt lắm”, ngư dân Nghiệp lại bộc bạch.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS tỉnh, giải thích thêm: “Trước đây, tàu cá nào mua bảo hiểm cho thuyền viên thì trong hợp đồng ghi đích danh tên của các thuyền viên đi trên tàu. Có như vậy khi gặp sự cố bên bảo hiểm mới bồi thường”. Thế nhưng theo ngư dân Phan Công Nghiệp, không 1 tàu cá nào có lực lượng thuyền viên ổn định, mà hầu hết thay đổi thuyền viên từng chuyến biển. “Thuyền viên thay đổi tàu như thay áo. Nếu tàu này làm ăn không hiệu quả thì họ bỏ, chuyển đi tàu khác ngay. Trong thực tế đó, nếu thuyền viên gặp rủi ro mà tên người gặp nạn đang đi không đúng con tàu đã đăng ký mua bảo hiểm thì trớt quớt, bên bảo hiểm không bồi thường”, ông Nghiệp nói thêm.
Trước thực tế này, không chịu thua thiệt, ngư dân đấu tranh chuyển hình thức bảo hiểm tai nạn thuyền viên bằng cách chủ tàu chỉ mua số lượng, còn cụ thể thuyền viên nào ra khơi trên chiếc tàu ấy được các trạm bộ đội Biên phòng xác nhận. Hoàn tất các thủ tục ấy, khi thuyền viên gặp nạn, bên bảo hiểm phải bồi thường.
Điều chua xót nhất là dù ngư dân muốn được bảo hiểm mức cao hơn, để nếu gặp rủi ro, lao động kiếm tiền chính trong gia đình mất đi mà không ảnh hưởng đến tài chính của gia đình cũng không được. Những thuyền viên chỉ được bảo hiểm từ 10-20 triệu đồng!
Một ngư dân tâm sự: “Thuyền viên là người kiếm ra tiền duy nhất trong gia đình, người vợ chỉ biết vá lưới và nội trợ. Bao nhiêu lo toan hằng ngày đều trông vào những đồng tiền được thuyền viên mang về sau những chuyến biển. Thế nhưng khi chỉ được bảo hiểm chỉ từ 10-20 triệu đồng, nếu gặp tai nạn, số tiền trên chẳng bỏ bèn gì so với nhu cầu sống của cả gia đình họ. Tuy nhiên, họ muốn mua bảo hiểm mức cao hơn thì bên bảo hiểm lại không muốn bán sản phẩm ấy. Món nào ngon ăn thì họ chào bán, món nào có màu rủi ro cao thì họ chối phắt! Ngẫm kỹ thì thấy những sản phẩm trước đây cơ quan chức năng quy định buộc phải mua đều là những sản phẩm có mức lợi nhuận cao cho ngành Bảo hiểm, còn những sản phẩm bảo vệ con người thì họ làm lơ…”.
“Hiện nay, Bảo Minh chỉ bảo hiểm cho thuyền viên ở mức 10 triệu đồng/người, mức phí đóng là 52.000đ/người/năm. Bảo Việt bảo hiểm cao hơn nhưng mức chót cũng chỉ 20 triệu đồng/người với mức phí đóng 112.000đ/người/năm. Không ngờ sinh mạng của những người hành nghề biển giả như tụi tui rẻ thiệt”, ngư dân Phan Công Nghiệp. |
|