Vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), nhất là thực hiện Thông báo số 198/TB-NHNN của Thống đốc NHNN, trong đó có việc điều chỉnh giảm lãi suất vay về mức tối đa 15%/năm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Phú Hải, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết tình hình hoạt động của các TCTD trên địa bàn thời gian qua, nhất là việc cho DN vay vốn SXKD?
- Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được ổn định và đạt được những kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm 2012, tổng nguồn vốn hoạt động trên địa bàn ước đạt 37.339 tỉ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương là 21.548 tỉ đồng (tăng 22,3%) cao hơn so với tốc độ tăng vốn huy động tính chung trên cả nước 6,49%. Tổng dư nợ ước đạt 30.032 tỉ đồng (tăng 5,6%). Điều đáng ghi nhận trong 6 tháng qua dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh luôn tăng trưởng đều, trong khi 5 tháng đầu năm tốc độ tăng dư nợ cả nước luôn là số âm…
|
Sacombank Bình Định, một trong những chi nhánh ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho DN vay vốn, tháo gỡ khó khăn.
- Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Sacombank Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU |
Riêng về hoạt động cho vay DN, từ đầu năm đến nay, NHNN tỉnh đã có nhiều chỉ đạo đối với các TCTD trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các giải pháp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN và khách hàng. Kết quả, 6 tháng qua, dư nợ cho vay DN trên địa bàn ước đạt 20.038 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 5,5% so với đầu năm, chiếm tỉ trọng gần 67% so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực SXKD của DN là 18.547 tỉ đồng, chiếm gần 93% so với tổng dư nợ cho vay DN…
* Vậy tại sao một số DN lại cho rằng vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay của NH?
- Tôi được biết có ý kiến cho rằng khoảng 80% DN trên địa bàn tỉnh không tiếp cận được với nguồn vốn vay NH. Không rõ thông tin này dựa trên cơ sở nào? Bởi lẽ, như trên đã đề cập, hoạt động cho vay DN của các TCTD trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Theo tôi, việc một số DN chưa tiếp cận được vốn ngân hàng có nguyên nhân từ cả hai phía - ngân hàng và DN. Do các TCTD trên địa bàn đều là chi nhánh trực thuộc nên về chính sách lãi suất cho vay, cấp tín dụng… đều phải tuân thủ chỉ đạo từ hội sở chính. Bên cạnh đó, một số TCTD gặp khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn nên không thể cung cấp vốn trung dài hạn theo yêu cầu cho DN, nhất là những DN có năng lực tài chính yếu… Đối với DN, một số có năng lực tài chính yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu sức cạnh tranh, tính minh bạch kém, khả năng trả nợ kém, phát sinh nợ xấu, chưa có phương án kinh doanh khả thi, các chỉ số an toàn về tài chính suy giảm… Cũng có một số DN có nhu cầu vay nhưng chưa trả hết nợ cũ nên không có (hoặc không đủ) tài sản thế chấp cho khoản vay mới…
* NHNN vừa chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ông có thể cho biết một số nội dung chủ yếu?
- NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông báo số 198/TB-NHNN về việc triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012, qua đó yêu cầu các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp về tín dụng; áp dụng lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở mức hợp lý và theo quy định; chỉ đạo các TCTD đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm (kể từ ngày 15.7) để chia sẻ khó khăn với các DN và hộ dân.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; đồng thời áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi phí và chia sẻ khó khăn với DN và hộ dân; tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ…
* Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện Thông báo trên như thế nào, thưa ông?
- Chi nhánh NHNN tỉnh vừa có cuộc họp với lãnh đạo các TCTD trên địa bàn nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, xác định triển khai thực hiện các giải pháp tiền tệ tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN là nhiệm vụ trọng tâm của các TCTD trên địa bàn từ nay đến cuối năm. NHNN tỉnh yêu cầu các TCTD trên địa bàn phải triển khai thực hiện các giải pháp về tín dụng, nhất là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay…, áp dụng lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở mức hợp lý; tiến hành đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ…
Chúng tôi cũng đã tham dự một số buổi gặp gỡ, đối thoại với DN và các hiệp hội ngành nghề, qua đó yêu cầu giám đốc các TCTD phải thống kê, tổng hợp danh sách, thực trạng tình hình hoạt động SXKD của DN, nếu có “bệnh” thì cụ thể là “bệnh” gì, mức độ “bệnh”, để từ đó có hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn cho DN… NHNN tỉnh yêu cầu kể từ ngày 15.7, tất cả các TCTD trên địa bàn phải xem xét điều chỉnh giảm lãi suất trên các hợp đồng tín dụng cũ về mức tối đa 15%/năm. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, TCTD phải báo cáo NHNN tỉnh bằng văn bản. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, NHNN tỉnh đã cử đại diện tham gia đoàn công tác khảo sát tình hình hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ của đoàn là hướng dẫn, giúp đỡ cụ thể về mặt chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề có liên quan thuộc thẩm quyền của mình, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động SXKD của DN, nhất là các DN có sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc các nhóm, ngành hàng quan trọng, chủ lực của tỉnh…
* Xin cảm ơn ông!
|