Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những cách làm hay, như phong trào hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần thực hiện có hiệu quả và đảm bảo mục tiêu, kế hoạch XDNTM.
|
Một tuyến kênh mương nội đồng vừa được xây dựng tại xã Nhơn Lộc - An Nhơn.
|
Nở rộ phong trào hiến đất làm đường
Ông Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), cho biết: Hưởng ứng Chương trình XDNTM, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có gần 200 hộ dân tại các thôn Cù Lâm, Trường Cửu, An Thành hiến 9.437m2 đất ruộng, vườn để mở rộng nền đường và bê tông hóa hàng chục km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Bên cạnh đó, nhân dân địa phương đã đóng góp 50% kinh phí, xã hỗ trợ 50% kinh phí để chỉnh trang và mở đường liên xóm, liên thôn với 7 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 5 km, lộ giới từ 5-6 m, khối lượng cấp phối hơn 3.000m3. Ngoài ra, bà con cũng đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nội đồng với hơn 2.000m2. UBND xã đang tiến hành quy hoạch và cắm mốc giới 33 tuyến đường nội đồng dài trên 22 km, mặt đường từ 3,5-5 m; cấp phối 3 tuyến giao thông nội đồng với hơn 1.500m3; kiên cố hóa kênh mương nội đồng được 5,33 km…”.
Gia đình ông Bùi Long Ẩn, một trong những hộ tự nguyện hiến 70m2 đất để xây dựng tuyến đường Đồng Lùng dẫn vào khu dân cư Gò Mít (thôn Cù Lâm), cho biết: “Hiến đất làm đường là việc làm vì lợi ích cộng đồng, vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhằm xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Trước đây, tuyến đường này khá chật hẹp, mỗi khi vào vụ thu hoạch, việc vận chuyển nông sản rất khó khăn, khi được xã vận động, gia đình tôi đã nhất trí hiến đất để làm đường ngay”.
Để có được sự đồng thuận của người dân, ngay sau khi công bố chủ trương nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, Đảng ủy, UBND xã Nhơn Lộc đã thông báo, vận động người dân hiến đất tại những vị trí cần được mở rộng đường. Nhờ vận động, tuyên truyền tốt, thực hiện dân chủ, công khai…, chủ trương mở rộng đường tại Nhơn Lộc đã được đông đảo nhân dân ủng hộ.
Phong trào người dân hiến đất làm đường ở xã Nhơn Lộc đã lan tỏa sang các xã lân cận của thị xã An Nhơn với khá nhiều hộ tự nguyện hiến đất để mở đường. Từ đầu năm 2012 đến nay, xã Nhơn Phúc đã vận động nhân dân hiến được trên 2.000m2 đất, xã Nhơn Khánh vận động hiến được trên 1.000m2 đất để mở rộng nền đường, thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn.
Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Việc người dân tự nguyện góp đất làm đường thể hiện nghĩa cử cao đẹp, sự tin tưởng và đồng lòng của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong XDNTM. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục bà con hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường tại một số nơi nằm trong vùng quy hoạch, mở rộng các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ XDNTM. Thị xã An Nhơn phấn đấu đến năm 2015 có 3 xã đạt chuẩn xã NTM gồm Nhơn Lộc, Nhơn An, Nhơn Phúc và đến năm 2020 có 6 xã đạt chuẩn NTM”.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả
Tại Tuy Phước, với đặc thù là huyện thuần nông, việc nâng cao thu nhập cho nông dân đúng với tiêu chí XDNTM quả là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, phát huy thế mạnh của địa phương, Tuy Phước đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Bước đầu cách làm này đã mang lại hiệu quả khá cao.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Huyện chọn 2 xã Phước Hưng và Phước Nghĩa làm điểm XDNTM đến năm 2015. Hai xã này tuy có nhiều tiêu chí đạt khá hơn các địa phương khác, như có trường đạt chuẩn quốc gia, giao thông nông thôn, an ninh trật tự, hệ thống chính trị vững vàng... nhưng thu nhập của người dân còn thấp vì chủ yếu dựa vào cây lúa là chính, trong khi hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém”.
Giải pháp của Ban chỉ đạo XDNTM huyện Tuy Phước là chuyển toàn bộ diện tích sản xuất lúa từ 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc/năm. Đến nay, hầu hết diện tích sản xuất lúa của 2 xã Phước Nghĩa và Phước Hưng đã chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ/năm, năng suất bình quân 65-70 tạ/ha/vụ; thu nhập cao hơn trước từ 4-5 triệu đồng/ha. Có được điều này, nhờ địa phương đã chủ động phòng tránh được thiên tai, lũ lụt trong sản xuất lúa, hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích được nâng cao. Chỉ làm 2 vụ/năm nhưng tổng sản lượng đạt được ngang bằng hoặc cao hơn so với làm 3 vụ nhờ bố trí các giống lúa lai, lúa thuần có chất lượng tốt. Lao động nông nhàn còn làm thêm được nghề phụ để tăng thu nhập.
Nhờ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từ các xã điểm ban đầu, đến nay, toàn huyện Tuy Phước đã thực hiện chuyển đổi được 6.628 ha/7.400 ha. Sau khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xã Phước Hưng đã hình thành khu tiểu thủ công nghiệp chuyên sơ chế gỗ và làm hàng mỹ nghệ bằng bẹ chuối; riêng người dân thôn Biểu Chánh phát triển nghề trồng rau cao cấp, những loại rau trước đây chỉ được nhập về từ Đà Lạt. Nông dân Phước Nghĩa tận dụng nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để phát triển nghề trồng nấm rơm, cũng như làm thêm một số nghề phụ khác.
Để nâng cao thu nhập cho nông dân khu vực nông thôn, huyện Tuy Phước đang có kế hoạch hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, giảm lao động trong khâu thu hoạch lúa, dành thời gian tham gia vào các ngành nghề khác. Các tuyến giao thông nông thôn cũng sẽ được chính quyền địa phương đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản...
|