Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt của nhiều xã ở khu vực nông thôn tỉnh ta đã từng bước khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, kinh tế - xã hội có bước chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời…
|
Xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) tập trung triển khai đầu tư bê tông hóa hệ thống giao thông nông thôn. Ảnh: N. HÂN
|
Kết quả bước đầu
Tại Hội nghị tổng kết hơn 1 năm triển khai XDNTM do UBND tỉnh vừa tổ chức, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Nhờ tạo được sự đồng thuận cao, sự tích cực của các cấp chính quyền và được nhân dân địa phương hưởng ứng mạnh mẽ, người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp tiền, tài sản, vật kiến trúc… để chung sức XDNTM. Đến nay, toàn huyện đã có 5 doanh nghiệp, hơn 300 hộ dân tự nguyện đóng góp 2,6 tỉ đồng, trên 850 cây dừa, 6.000m2 đất để làm đường giao thông, kênh mương... Bên cạnh đó, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ cho các xã 200 triệu đồng/km đường bê tông xi măng và 50% giá trị xây lắp kiên cố hóa kênh mương. Riêng các xã XDNTM giai đoạn 2011-2015, mỗi năm huyện hỗ trợ 1,5 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Qua đó, tạo động lực thúc đẩy các cấp chính quyền và nhân dân tích cực tham gia XDNTM. Mục tiêu phấn đấu của huyện Hoài Nhơn, đến năm 2015 sẽ có 4 xã đạt chuẩn NTM; đến năm 2020 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM theo chỉ tiêu tỉnh giao.
“Cần ưu tiên hỗ trợ các xã điểm XDNTM để sớm hình thành các hình mẫu xã NTM điển hình, giúp nhân dân địa phương và các vùng lân cận tin tưởng, học tập nhân rộng”
Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh |
Theo ông Bùi Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão: Tuy là huyện miền núi, tình hình phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng địa phương đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh, Trung ương, lồng ghép có hiệu quả Chương trình 30a của Chính phủ để triển khai XDNTM. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn của 9/9 xã; có 5 xã đang tiến hành lập quy hoạch chung. Để hỗ trợ các xã phát triển cơ sở hạ tầng, trong các năm 2011 - 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, địa phương đã đầu tư 85,5 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp, giáo dục… Huyện An Lão đang tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn; tập trung huy động tối đa nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để hoàn thành các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa, môi trường… Phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn huyện sẽ có 2 xã đạt chuẩn NTM gồm xã An Hòa và An Tân, đến năm 2020 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm An Trung, An Quang, An Hưng.
Theo Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, trong thời gian qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh đã phân bổ cho các xã điểm XDNTM của tỉnh gồm Nhơn Lộc (An Nhơn), Hoài Hương (Hoài Nhơn), Bình Nghi (Tây Sơn), mỗi xã 1 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, xã Nhơn Lộc đã kiên cố hóa 2 km kênh mương cấp 3 với tổng vốn đầu tư 1,583 tỉ đồng (gồm vốn hỗ trợ của Trung ương 1 tỉ đồng, vốn của xã 343 triệu đồng, vốn huy động của dân 240 triệu đồng). Xã Bình Nghi đầu tư xây dựng 3 nhà văn hóa thôn, tổng kinh phí 1,743 tỉ đồng (gồm vốn Trung ương hỗ trợ 1 tỉ đồng, vốn xã 743 triệu đồng). Xã Hoài Hương, đầu tư xây dựng 1,7 km đường giao thông nông thôn, tổng kinh phí 2,5 tỉ đồng (gồm vốn Trung ương hỗ trợ 1 tỉ đồng, vốn ngân sách huyện 1,5 tỉ đồng). Đến nay, hầu hết các công trình giao thông, thủy lợi tại 3 xã trên đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Riêng đối với xã Ân Thạnh (Hoài Ân), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hỗ trợ 15 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất...
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai XDNTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Đáng quan tâm là các địa phương triển khai chương trình còn chậm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Công tác lập quy hoạch vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập, một phần là do các văn bản chỉ đạo của Trung ương ban hành chậm, chưa đồng nhất, lực lượng tư vấn còn thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu biết sâu sát về quy hoạch XDNTM nên việc lập quy hoạch còn nhiều khó khăn, chưa sát với tình hình cụ thể từng địa phương.
Một khó khăn nữa là hiện nay nguồn vốn đầu tư XDNTM cho các xã còn rất hạn chế. Các địa phương chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn ngân sách cấp là chủ yếu, trong khi đó, các nguồn huy động khác hầu như rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện thành công chương trình XDNTM cần có sự huy động, đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối XDNTM của tỉnh còn hoạt động trong điều kiện khó khăn cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Văn phòng hiện chỉ có 4 cán bộ chuyên trách nên không đảm bảo thực hiện hết nhiệm vụ; các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Văn phòng và Ban chỉ đạo còn thiếu thốn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và triển khai kế hoạch thực hiện các tháng còn lại trong năm 2012, đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đã yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, lãnh đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đẩy nhanh công tác triển khai thực hiện XDNTM. Trong công tác quy hoạch chung, các đơn vị tư vấn cần chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn tốt để hỗ trợ, giúp đỡ các xã quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dựa trên thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Qua đó, tổ chức công bố rộng rãi để quần chúng nhân dân góp ý tham gia vào đồ án quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Trong công tác chỉ đạo, cần ưu tiên hỗ trợ các xã điểm XDNTM, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để tăng thu nhập, phát triển giáo dục, y tế, tôn tạo và bảo vệ cảnh quan, môi trường… để sớm hình thành được các hình mẫu xã NTM điển hình, giúp nhân dân địa phương và các vùng lân cận tin tưởng, học tập nhân rộng. Ngành chức năng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM tại các xã, xem đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định thành công của Chương trình… Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến năm 2015 có 27 xã đạt chuẩn NTM, đến 2020 nâng lên 64 xã đạt chuẩn NTM.
|