Thực hiện Dự án Khí sinh học:
Có lợi về nhiều mặt
21:33', 24/7/ 2012 (GMT+7)

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc thực hiện Dự án Khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường (ÔNMT), tạo nguồn năng lượng đáng kể phục vụ sinh hoạt gia đình, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân khu vực nông thôn.

 

Một hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) xây dựng công trình KSH.

 

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh ta là địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì khu vực miền Trung và Tây Nguyên; song ngành nghề chăn nuôi trong tỉnh vẫn còn phát triển một cách tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Điều đáng nói là nhiều địa phương chưa quy hoạch và xây dựng khu chăn nuôi tập trung riêng biệt, nên phần lớn các hộ chăn nuôi đều xây dựng chuồng trại ở trong khu dân cư­, chất thải chăn nuôi đa phần chư­a đư­ợc xử lý, mà thải trực tiếp ra môi trường, gây ÔNMT, tăng nguy cơ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và con người. Nhiều nông hộ đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và công nghệ xử lý.

Năm 2004, Bình Định là một trong 12 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ NN-PTNT chọn tham gia Dự án KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ. Mỗi công trình KSH sau khi xây dựng hoàn chỉnh được dự án hỗ trợ từ 1-1,2 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, công trình KSH vừa khắc phục ÔNMT, vừa tạo nguồn năng lượng đáng kể phục vụ sinh hoạt gia đình, nên việc thực hiện dự án rất thuận lợi.

Theo Ban quản lý Dự án KSH tỉnh, giai đoạn 2004-2009, toàn tỉnh đã xây dựng được 5.800 công trình KSH. Hầu hết các công trình đều được xây dựng đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn khí gas làm chất đốt cho gia đình; góp phần giảm thiểu tình trạng ÔNMT ở các khu dân cư. Từ năm 2010-2012, tỉnh ta tiếp tục được Trung ương hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2 của dự án này. Cụ thể, năm 2010 tỉnh ta đã xây dựng được 1.000 công trình KSH; năm 2011 xây dựng được 1.040 công trình. Năm 2012, mục tiêu của tỉnh là xây dựng 1.043 công trình, đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Qua triển khai Dự án KSH, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã hưởng ứng tích cực; nhiều nhất là ở Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, An Nhơn… Ông Nguyễn Văn Bốn, một chủ hộ chăn nuôi heo ở xã Bình Thành (Tây Sơn), cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên nuôi mỗi lứa heo hơn 10 con. Trước đây, khi chưa xây dựng hệ thống biogas, hàng ngày, lượng phân thải từ chăn nuôi heo rất lớn, gây ÔNMT trong nhà và hàng xóm. Đầu năm 2005, được sự hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng từ dự án, tôi đã thêm vào 2 triệu đồng để xây dựng hầm biogas. Nhờ đó, tình trạng ÔNMT đã giảm đáng kể, và còn tiết kiệm được tiền mua chất đốt”.

Ngoài việc hỗ trợ xây dựng công trình KSH, Dự án còn đào tạo nhiều kỹ thuật viên, thợ xây có tay nghề giỏi, đảm bảo xây dựng công trình có chất lượng. Ban quản lý Dự án KSH tỉnh còn hướng dẫn sử dụng bã thải KSH vào lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi và làm phân bón cho cây trồng cạn, rau màu, nuôi cá…góp phần giảm thiểu ÔNMT ở nông thôn, tiết kiệm nhiên liệu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các hộ chăn nuôi tham gia dự án đều khẳng định sự tiện ích và tính hiệu quả của công trình KSH.

Ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi, Phó Giám đốc Dự án KSH tỉnh, cho biết: “Dự án KSH đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân ở khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy, thông qua việc sử dụng công nghệ KSH, xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân, dự án đã góp phần hạn chế ÔNMT, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Do hiệu quả to lớn của công trình KSH cả trước mắt và lâu dài, nên nhu cầu xây dựng công trình KSH của người chăn nuôi là rất lớn. Ban quản lý Dự án KSH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tham gia dự án này”.

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện  (24/07/2012)
Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo vượt lũ an toàn   (23/07/2012)
Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 27 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới  (23/07/2012)
Thị trường đi xuống phiên thứ hai liên tiếp  (23/07/2012)
Giá giảm, sức mua cải thiện hơn trước  (23/07/2012)
Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại cục bộ lúa Thu  (23/07/2012)
Đến năm 2020, tăng thêm 582 ha đất khai thác khoáng sản ở Phù Mỹ, Phù Cát   (23/07/2012)
Chủ động nguồn nước chống hạn vụ Mùa  (22/07/2012)
Đẩy mạnh thi đua tiết kiệm điện  (22/07/2012)
Hơn 70,1 tỉ đồng nâng cấp chống xói lở, đảm bảo an toàn cho đê sông Côn  (21/07/2012)
Người chăn nuôi thua lỗ  (20/07/2012)
Những cách làm hay, hiệu quả cao  (20/07/2012)
An Lão trồng khảo nghiệm 0,5ha chanh dây  (19/07/2012)
ACB là ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2012   (19/07/2012)
Nuôi bò vỗ béo cho thu nhập cao  (19/07/2012)