Để các làng nghề phát triển bền vững:
Phải tạo cho được sản phẩm đặc trưng
22:6', 25/7/ 2012 (GMT+7)

Bình Định là một trong những địa phương có nhiều làng nghề (LN), với ngành nghề đa dạng. Tuy nhiên, nhiều LN trên địa bàn tỉnh dần mai một do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường. Để phát triển bền vững, một trong những yếu tố tiên quyết là các LN phải tạo cho được sản phẩm đặc trưng, gắn với thị trường.

Theo Sở Công Thương, hiện các LN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu vốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã đơn điệu, thiếu thông tin thị trường và công nghệ lạc hậu… nên chưa xây dựng được thương hiệu và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Nhiều hạn chế

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Mới đây, UBND tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh năm 2012 nhằm phát hiện các sản phẩm công nghiệp nông thôn, các sản phẩm LN có chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển sản xuất để có kế hoạch hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình bình chọn, khá nhiều sản phẩm LN của tỉnh còn rất hạn chế, không đạt được các tiêu chí mà Hội đồng bình chọn đưa ra. Trong đó, hạn chế lớn nhất là sản phẩm không đăng ký bảo hộ thương hiệu, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì không đảm bảo.

 

Sản phẩm đúc Bằng Châu (thị xã An Nhơn) có thị trường tiêu thụ nhờ chất lượng cao và có nét đặc trưng riêng.

- Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu về sản phẩm của làng nghề đúc Bằng Châu.

Thực tế phần lớn các cơ sở sản xuất ở các LN trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, vốn ít, lại làm ăn riêng biệt, không có sự phối hợp để tạo sự chuyên môn hóa và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, nên khó xây dựng thương hiệu hàng hóa và hạ giá thành sản phẩm. Ngay cả một số LN có sản phẩm đặc sắc riêng có của tỉnh, đã đi vào lòng khách hàng gần xa, như nem chợ Huyện (Tuy Phước), rượu Bàu Đá (An Nhơn), nón ngựa Phú Gia (Phù Cát), gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn)… cũng rất “trầy trật” trong việc phát triển.

Đã vậy, hiện ở các LN, những nghệ nhân cao tuổi đã ngày càng thưa vắng, lớp trẻ ít gắn bó với nghề, lại không được đào tạo đến nơi đến chốn, nên đã làm giảm sút hàm lượng văn hóa trong sản phẩm. Do bị cuốn hút bởi “cơn lốc” thị trường nên sản phẩm LN bây giờ không còn được chú ý khắt khe về chất lượng, độ tinh xảo, thậm chí một số cá nhân còn làm hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng uy tín LN. Chính những điều này là lực cản, làm cho các LN trên địa bàn tỉnh không phát triển mạnh mẽ được và thậm chí nhiều LN dần mai một.

Tạo sản phẩm đặc trưng, gắn với thị trường

Các LN mai một đồng nghĩa với hàng ngàn người dân nông thôn mất đi “chỗ dựa” việc làm lúc nông nhàn. Do đó, thời gian qua, việc khôi phục và phát triển các LN đã được UBND tỉnh và các địa phương đặt ra một cách cấp bách. UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các LN phát triển và đã phê duyệt Quy hoạch phát triển LN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2015, tỉnh tiếp tục ưu tiên và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để khôi phục và phát triển 38 LN đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt tiêu chí LN truyền thống; phấn đấu hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các LN chiếm thêm 3% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và thu hút thêm từ 1.800 - 2.000 lao động ở nông thôn.

LN chỉ có thể sống được khi sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ, được nhiều người biết đến. Do vậy, để các LN phát triển một cách bền vững, theo các chuyên gia kinh tế, trước nhất, các LN cần tạo ra sản phẩm đặc trưng và gắn với thị trường. Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của các LN không còn nằm trong phạm vi một vùng, một khu vực mà phải là thị trường trong nước, và quan trọng hơn là hướng ra thị trường quốc tế. Muốn vậy, sản phẩm của LN cần phải có thương hiệu, nhãn mác; nhất là sản phẩm của các ngành nghề có tiềm năng, thế mạnh. Các mặt hàng thực phẩm từ các LN phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là phải có sản phẩm đặc trưng, giá cả phù hợp và có sức cạnh tranh…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 LN được tỉnh công nhận đạt tiêu chí LN. Các LN trên địa bàn tỉnh đã thu hút khoảng 13.000 lao động sản xuất trực tiếp, chiếm 33,6% tổng số lao động trong LN; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỉ trọng 18,6% so với khu vực kinh tế cá thể, thu nhập của lao động ở LN đạt từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Lâu, Chủ tịch Hiệp hội LN Bình Định, cho biết: “Các LN cần phải có tư duy nhìn ra thế giới. Có nghĩa là sản phẩm của LN làm ra phải được thế giới biết đến, chứ không chỉ cho làng đó, huyện đó. Tôi rất quan tâm đến chương trình “mỗi làng, một sản phẩm” mà Bộ NN - PTNT đang triển khai hiện nay. Theo đó mỗi địa phương cần chọn ra một đặc trưng riêng của vùng quê, của làng mình, rồi quảng bá, tạo thương hiệu mang tính toàn cầu thì sản phẩm đó mới có giá trị hàng hóa cao. Tuy nhiên, để làm được điều này, người dân LN mong Nhà nước và địa phương có chính sách hỗ trợ để các LN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật… tạo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hiện Sở KH-CN tỉnh đã chọn 5 sản phẩm đặc trưng của tỉnh, gồm: rượu Bàu Đá, chả cá Quy Nhơn, bánh ít lá gai, nón ngựa Phú Gia và chiếu cói để hỗ trợ phát triển trong giai đoạn 2012-2015. Các sản phẩm này sẽ được hỗ trợ quảng bá thương hiệu, lập hồ sơ pháp lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, lập kế hoạch quy hoạch nguyên liệu, hỗ trợ công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất…

Chính quyền các địa phương cũng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển các LN. Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết: Thị xã An Nhơn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của LN, đưa sản phẩm LN đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài ra, thị xã cũng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các LN phát triển một cách ổn định và bền vững.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng trước  (25/07/2012)
Đầu tư trên 3,1 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo đường giao thông  (25/07/2012)
Tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế  (25/07/2012)
Có lợi về nhiều mặt  (24/07/2012)
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện  (24/07/2012)
Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo vượt lũ an toàn   (23/07/2012)
Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 27 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới  (23/07/2012)
Thị trường đi xuống phiên thứ hai liên tiếp  (23/07/2012)
Giá giảm, sức mua cải thiện hơn trước  (23/07/2012)
Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại cục bộ lúa Thu  (23/07/2012)
Đến năm 2020, tăng thêm 582 ha đất khai thác khoáng sản ở Phù Mỹ, Phù Cát   (23/07/2012)
Chủ động nguồn nước chống hạn vụ Mùa  (22/07/2012)
Đẩy mạnh thi đua tiết kiệm điện  (22/07/2012)
Hơn 70,1 tỉ đồng nâng cấp chống xói lở, đảm bảo an toàn cho đê sông Côn  (21/07/2012)
Người chăn nuôi thua lỗ  (20/07/2012)