Mặc cho những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên biển Đông, ngư dân làm những nghề đánh bắt khơi xa tại Bình Định vẫn không hề nao núng. Những chuyến biển vẫn tiếp tục quay vòng. Nhiều ngư dân còn đang hớn hở đi mua máy tàu mới có công suất cao hơn để nâng cấp cho chiếc tàu của mình.
|
Sản phẩm cá ngừ sọc dưa do tàu BĐ 94439 TS của ông Nguyễn Văn Ái đánh bắt được.
|
Khi tôi liên lạc bằng điện thoại với ngư dân Nguyễn Văn Ái, chủ của những chiếc tàu cá to nhất miền Trung ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ-Bình Định) để xin 1 cuộc hẹn gặp, thì được biết ông Ái đang vào TP HCM mua máy mới để nâng cấp cho 1 trong 4 chiếc tàu của mình đang sở hữu.
Khi biết tôi muốn hỏi thăm tình hình đánh bắt xa bờ lúc này thế nào, có gặp khó khăn gì không, ông Ái liền trả lời bằng giọng nói rất hồ hởi: “Đang mùa đánh bắt được nên 4 chiếc tàu của gia đình tui vẫn liên tục ra khơi. Chiếc tàu tui mới đóng năm vừa rồi mang số hiệu BĐ 94529 TS có công suất 800CV và chiếc BĐ 94033 hiện đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa. Chiếc tàu BĐ 94439 TS có công suất 900CV thì mới vừa cập bến Cam Ranh (Khánh Hòa) vào hôm 18.7. Mấy chục thuyền viên trên tàu này đang làm việc bù đầu, họ đang cấp tốc chuyển cá lên khỏi 10 hầm tàu để cân bán sản phẩm cho đầu nậu, người lo việc tiếp nhiên liệu, người thì lo mua lương thực dự trữ cho chuyến biển mới. Chiếc BĐ 94032 TS có công suất 270 CV thì đang nằm ở Phan Thiết, tui đang đi mua máy mới về nâng cấp cho chiếc này để đi đánh bắt khơi xa cho an toàn”.
Ngay sau đó, tôi liên lạc với tài công Nguyễn Minh Vương (con trai ông Ái), người đang điều khiển chiếc tàu “khủng” nhất miền Trung BĐ 94439 TS (900CV) vừa cập bến tại Nha Trang, tôi lại được nghe thêm 1 thông tin đầy phấn khởi: “Tui đang mở chuyến biển mới, để tui cho tàu chạy ra khỏi cửa biển rồi gọi lại anh”. Thế mới biết không khí ra khơi bám biển của ngư dân trong thời điểm này xem ra rầm rộ hơn bao giờ hết.
|
Hoạt động của ngư dân Bình Định trên biển Đông.
|
Tôi về Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (CCKT-BVNLTS) Bình Định để chia sẻ niềm vui này thì được bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng, cho biết: “Mọi năm, vào thời điểm này, những tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đều đã neo bờ. Thế nhưng hiện nay, nhờ khai thác cho hiệu quả cao nên họ ra khơi mạnh hơn bao giờ hết. Họ bám biển dài ngày hơn và những chuyến biển quay vòng liên tục, cập bờ là hộc tốc bán sản phẩm là ra khơi ngay. Hiện nay đang vào vụ cá Nam, vụ cá này kéo dài từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 10, ngư trường đánh bắt là khu vực phía dưới của vùng biển Trường Sa đi dần về phía Nam. Khi chuyển sang vụ cá Bắc thì họ cho tàu dịch chuyển về vùng biển Hoàng Sa. Tại thời điểm này, thường xuyên có vài ngàn chiếc tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động trên biển Đông với những nghề chủ lực như câu cá ngừ đại dương, lưới vây ngày, lưới vây ánh sáng và câu mực”.
Nhờ không khí ra khơi bám biển của ngư dân hào hứng là vậy nên hoạt động của ngành khai thác thủy sản ở Bình Định trong 6 tháng đầu năm đã cho kết quả rất phấn khởi với sản lượng khai thác đạt 82.470 tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng khai thác xa bờ đạt 64.759 tấn, chiếm 80,6% trong tổng sản lượng khai thác nước mặn. Riêng nghề câu cá ngừ đại dương mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu như cả năm 2011 sản lượng cá ngừ đại dương chỉ đạt 4.400 tấn thì năm nay, mới 6 tháng đầu năm đã đạt 5.103 tấn, tăng 50% so cùng kỳ.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định ngày càng được tăng cường và có hiệu quả. Điều đáng phấn khởi là hiện nay ngư dân đã ý thức cao trong việc nâng cao năng lực khai thác theo hướng bền vững”.
|
Chủ tàu Nguyễn Văn Ái bán sản phẩm tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).
|
Ngư dân Nguyễn Văn Việt (1954), chủ tàu cá BĐ 91017 TS ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), người có thâm niên hành nghề trên biển Đông, nêu kinh nghiệm: “Trong bối cảnh này mình nên tuân thủ, chỉ đánh bắt trên phần biển của nước mình là an toàn nhất, tránh đừng hoạt động tại vùng biển trên vĩ độ 15”. Điều đáng mừng là hiện nay, ngư dân đã biết quan tâm đến những khuyến cáo của ngành chức năng về ngư trường thác an toàn.
Bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng CCKT-BVNLTS Bình Định, cho biết thêm: “Trong năm nay, UBND tỉnh đã chủ động xuất kinh phí tự in sơ đồ vùng biển để phát cho hơn 4.000 chiếc tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn chứ không đợi Cục Thủy sản hỗ trợ về như trước đây. Riêng năm 2012, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền, nhất là đối với Thông tư số 15 của Bộ NN-PTNT về thông tin trên biển và được ngư dân quan tâm hơn so với trước. Nhờ đó, thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, chúng tôi nhận được phản hồi nhiều hơn. Trước đây, cả năm các chủ tàu mới đến cơ quan ngành thủy sản 1 lần, còn bây giờ sau mỗi chuyến biển họ đều đến để làm thủ tục hỗ trợ và nắm bắt thông tin nên công tác tuyên truyền của chúng tôi thuận lợi hơn”.
Trưa 19.7, sau khi điều khiển chiếc tàu 900 CV chạy ra ngoài cửa biển Cam Ranh để mở chuyến biển mới, tài công Nguyễn Minh Vương (tàu BĐ 94439 TS) rảnh tay gọi điện về cho tôi để tâm sự: “Chuyến vừa rồi anh em tụi tui đánh bắt tại các vùng biển đảo Đá Tây và đảo Đá Đông cả tháng trời. Mùa này mặc dù thời tiết không thuận lợi mấy, gió tây nam dạt cây từ trong lộng ra nên ít gặp những cây trôi cho đàn cá lớn. Thế nhưng anh em tụi tui không nản lòng, ngày đêm bám biển nên sau 1 tháng tàu cũng “bức đá” (hết đá ướp cá), đánh bắt được gần 28 tấn cá, bán được gần 1 tỷ đồng. Bán xong sản phẩm là tụi tui tranh thủ ra khơi ngay chứ mùa mưa bão đến gần rồi”. |
|